Nhớ Phan Tứ

Mình đọc văn Phan Tứ thời bé, đọc vì tò mò muốn biết chuyện chiến đấu miền Nam, chuyện chiến đấu ở Lào, anh ra cuốn gì đều đọc ngấu nghiến cuốn đó. Sướng nhất vẫn là cuốn Trước giờ nổ súng.Văn chương thời đó mà tả yêu đương lãng mạn, lại còn nói chuyện phản bội là ghê lắm, có lẽ trong vòng chục năm, kể từ năm 1960, đó là cuốn tiểu thuyết hay nhất.

Thời đó Phan Tứ lấy tên thật là Lê Khâm, kể từ cuốn Về làng anh mới lấy bút danh là Phan Tứ, dù thế nào mình cũng tiếc cái tên Lê Khâm, nó hay hơn tên Phan Tứ, nhất là sau cuốn trước Trước giờ nổ súng cái tên Lê Khâm đã đóng đinh vào trí nhớ nhiều thế hệ bạn đọc miền Bắc rồi.

Vì thế mới có chuyện thầy giáo của mình khoe là bạn học với Lê Khâm, mình biết ông nói phét chứ Lê Khâm học Đại học tổng hợp từ năm 1958 còn thầy thì học sư phạm Việt Bắc năm 1968. Mình nói thầy có quen Phan Tứ không, thầy nói Phan Tứ học trước tớ hai năm, nhưng quen thân nhau lắm.

Bốc lên thầy còn khoe một hôm thầy ngồi uống rượu nói chuyện với Lê Khâm và Phan Tứ, thầy phê bình Lê Khâm về tính tiêủ tư sản trong tiểu thuyết Trước giờ nổ súng. Thâỳ nói Lê Khâm không chịu nhưng Phan Tứ thì gật gù khen tớ nói đúng.

 Hi hi thầy bà nước mình vui lắm, nhiều người chỉ chờ lên lớp là tán phét tôi ngày xưa thế này, tôi ngày xưa thế kia, kì thực dạy Kiều không đọc hết Truyện Kiều, dạy Chinh phụ ngâm không biết cuốn Chinh phụ ngâm ngang hay dọc. Thôi không nói chuyện này nữa, kể chuyện Phan Tứ cho vui.

Năm 1982 mình đóng quân ở Phước Tường ( Đà Nẵng) vẫn hay qua lại Hội Văn nghệ tỉnh chơi, quen anh Quốc ( Bùi Minh Quốc), anh Quế ( Thanh Quế) chị Cúc ( Ngô Thị Kim Cúc) đã lâu nhưng Phan Tứ thì chưa gặp. Một hôm đang ngồi quán cà phê cạnh Hội, thấy một ông già già nho nhỏ gầy gầy, áo bỏ vào quần gọn ghẽ, đi dép cao su đeo đủ bốn quai, cái ca táp khóac chéo quai ngang ngực lúi húi đi vào, anh Quế nói Phan Tứ đó kià, mình quá ngạc nhiên.

Đọc Mẫn và tôi mình cứ hình dung anh như nhân vật Thiêm, đẹp trai  sang trọng, nhã nhặn ôn hoà, linh lợi hoạt bát, chẳng ngờ anh y chang ông trưởng thôn lên tỉnh họp. Anh bắt tay mình, nói Lập còn trẻ quá nhỉ rồi quay sang bàn việc Hội với anh Quốc, anh Quế, bàn xong thì đi, không hề nói chuyện văn chương. Nói chung bốn năm gần anh chưa bao giờ mình nghe anh tán gẫu được dăm câu, lúc nào anh cũng có vẻ vội, không hề thích đàn đúm.

Một trang nhật kí viết bằng tiếng Pháp của Phan Tứ

Anh Quế nói ông Phan Tứ làm cái gì cũng lên kế hoạch, thời gian biểu kẻ bảng, hôm nay đi đâu mấy giờ, làm việc đến mấy giờ, tạt qua thăm ai, nói chuyện cái gì, mấy giờ thì về nhà…  cứ thế răm rắp.

 

Anh Quốc nói ở nhà ông còn răm rắp hơn, thức dậy giờ nào, thể dục  giờ nào, ăn sáng giờ nào, uống thuốc bắc giờ nào, nghe đài ta giờ nào đài địch giờ nào, vào bàn viết giờ nào… tuyệt không sai một khắc.

Mình cười hì hì, nói ngủ với vợ chắc cũng đúng giờ luôn nhỉ. Anh Quế nói chớ sao, đến vệ sinh giờ nào đi xia giờ nào đi tiểu ông còn rèn cho đúng giờ được nữa là. Mình thè lưỡi rụt cổ, nói sợ quá sợ quá.

Anh Quốc đập tay cười kha kha kha, nói được rồi, khi nào tôi chuốc ông Phan Tứ món rượu kích dục xem thử ông có đúng giờ được không. Anh Quế  nhăn răng cười, nói hay hay, nhưng mà thua ổng thôi, ổng lập trường vững vàng lắm, chưa đúng giờ thì có dí bướm vào mũi ổng vẫn không xao xuyến.

Có lẽ nửa đời trong quân ngũ, sống trong môi trương gian khổ khắc nghiệt đã rèn cho Phan Tứ một nếp sống rất lính, chặt chẽ ngăn nắp đến từng li. Anh đặt chỉ tiêu một tháng một cái truyện ngắn, hai mươi trang tiểu thuyết cứ thế mà răm rắp. Nhờ thế anh có gần chục ngàn trang in, chưa kể 50 cuốn nhật kí dày cộp, nếu in ra cũng chục ngàn trang in là ít.

Anh viết nhật kí đều đặn đúng giờ như người ta phải ăn cơm đúng bữa, viết bằng ba thứ tiếng Lào, Nga và Pháp, thêm tiếng Việt nữa là bốn. Mình đến nhà chơi, thấy chồng nhật kí cao ngất của anh mà hoa mắt, lại còn viết bằng ngoại ngữ mới thất kinh. Anh nói viết ngoại ngữ để rèn kĩ năng ngoại ngữ, với lại nhỡ có rơi vào tay địch hay tay ai cũng đỡ phiền. Phục anh quá chừng.

Nghe nói trước khi viết cái gì anh đều làm đề cương chi tiết đưa bạn bè đọc, cấp trên  xem xét, cho góp ý xong thì mới bắt tay vào viết, rất nghiêm túc. Có lẽ vì thế văn anh càng về  sau càng thấy hợp lý, mọi thứ đều  đâu vào đấy nhưng mà đọc mất sướng.

Đối với lớp trẻ anh rất ân cần thương mến nhưng ít khi anh nói chuyện văn chương, chưa khi nào anh hỏi mình cậu thấy truyện này truyện kia của tớ thế nào. Tuồng như anh biết văn anh là thế nào, đang ở đâu, có hỏi cũng chỉ nghe nói dối mà thôi.

Một hôm mình nói anh Tứ chẳng khi nào nói chuyện kinh nghiệm viết lách cho tụi trẻ các em nghe cả. Anh mỉm cười, nói các cậu bây giờ thành sư cả rồi, cái mà mình cho quan trọng thì các cậu cho vớ vẩn, cái mà các cậu cho là ghê gớm thì mình coi chẳng ra gì. Cho nên mạnh thằng nào thằng đó cứ viết, thằng hót thằng hét thằng hát văn đàn Việt mới hay lên được.

Thích nhất vẫn cái tính kĩ lưỡng chi tiết của anh. Trong cái tạp dề của anh có hộp kim với năm bảy loại kim dài ngắn to nhỏ. Chỉ cũng năm bảy loại và một hộp cúc có đến mấy chục cái cúc khác nhau. Mình nói biết là anh có tính phòng xa nhưng anh mang theo nhiều loại kim chỉ làm cái gì, lại còn cúc mấy chục loại nữa, không lẽ áo quần anh nhiều loại cúc thế à. Anh nói mang phòng nhỡ có ai tuột chỉ đút cúc thì có dùng chứ áo quần mình có mấy đâu.

Đi đâu mà có Phan Tứ đi cùng khỏi lo gì hết, kể cả chuyện vặt ít ai nghĩ tới anh cũng đã tính rất kĩ. Mình nhớ mãi chuyến đi chơi dọc sông Thu Bồn có anh đi cùng. Hôm ấy có đông người lắm, mấy chục người cả thảy văn thơ nhạc hoạ đủ hết, danh sĩ Bắc Trung Nam ngồi đầy một chiếc thuyền lớn.

 Đến khúc sông cạn, nước trong vắt, mọi người cắm thuyền giữa dòng, ai thích tắm thì tắm. Nhiều người nhảy xuống tắm, tắm xong leo lên bờ, lúng túng không biết thay áo quần ở đâu. Phan Tứ chìa ra một cuộn vải với ba cái cọc móc sẵn cho mọi người làm cái quầy che tạm thay đồ. Thì ra anh đã tính trước cuộc chơi có những mục gì, tại đó cần cái gì, anh lẳng lặng lo cho anh em trước cả.

Đêm neo thuyền ven bờ ngủ lại men sông, mình ngồi trên tảng đá to phẳng lì với Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Cao Việt Bách, Thuận Yến, Nguyễn Trọng Oánh uống rượu tán phét rất vui. Giữa chừng hết rượu trong khi hãy còn thòm thèm. Rượu mang theo khá nhiều nhưng đoàn đông người, đi chơi hai ba ngày, anh Thâm ( Nguyễn Bá Thâm) sợ hết rượu nên quản rất chặt.

Biết xin thêm anh Thâm chả cho, anh Quốc nói các vị trên thuyền  ngủ rồi đấy, thằng Lập khoẻ trẻ đẹp trai, mày xông vào ăn trộm một bình tông nhanh lên. Mình lĩnh ấn tiên phong mò vào thuyền sờ soạng tìm rượu, chẳng may đụng phải chân Ngô Thị Kim Cúc, bà Cúc tưởng ai định sàm sỡ kêu ầm lên, thế là lộ chuyện.

Anh Thâm chẳng những không cho rượu lại còn mắng cho nữa. Mình vừa ngượng vừa tức nhảy ra khỏi thuyền thì Phan Tứ gọi giật, nói Lập Lập đây đây, anh dúi vào tay mình một bình tông rượu đầy, nói rượu mình mang theo dự phòng đây. Mình cảm động quá, anh còn tính trước cho cả mấy ông sâu rượu, hiếm có ai chu đáo đến như thế.

Phan Tứ là vậy, đi đâu nhỡ đói có anh mang sẵn tiền, nhỡ khát có anh mang sẵn nước, giấy lau miệng, tăm xỉa răng, dao cạo râu… đủ cả, đến cả giấy vệ sinh nhỡ khi đau bụng anh cũng chả quên. Hôm nghe tin anh mất, hình như là một ngày mùa thu năm 1995, mình đang ở Hà Nội, lảng lặng ra quán rượu ngồi một mình nhớ anh. Chỉ nhớ mấy chuyện lặt vặt ấy thôi mà ứa nước mắt.

103 thoughts on “Nhớ Phan Tứ

  1. dangminhlien

    1 đời viết chỉ cần người đọc nhớ lấy 1 cuốn hay 1 bài là đã mừng rồi
    Tôi đọc “Trước giờ nổ súng” của Lê Kham từ hồi học cấp 2 và nhớ nó rất hấp dẫn ly kỳ rừng rú gian khổ và bạo liệt…có cả sex vụng trộm ở rừng chiến tranh
    Câu : hồn lìa khỏi xác, hồn lên niết bàn… hồn cụ Thít la ơi hỡi cùng với nhiều thảm cảnh khổ sở của bộ đội lắm
    Vẫn nhớ tới bây giờ tuy câu chuyện thì quên cốt
    Sang những tác phẩm khác của cụ Phan tứ thì tôi ít ấn tượng

  2. STT

    Bây giờ cháu cũng mong được gần với những người như Phan Tứ để mình “ngoan” hơn. Chắc sẽ làm được rất nhiều việc ích lợi. Tất nhiên vẫn phải có lúc ”bùng nổ” thì đời mới đáng sống.

  3. hoalucbinh

    Em cũng thích nhiều đoạn trong Mẫn và Tôi, nhất là khi LK tả sự yêu giận cồn cào của Mẫn.
    Đang thích LK-PT thì có người kể chuyện vui về sự tiết kiệm quá đáng của PT. Chuyện là thế này: Mấy ông nhà văn đi chung xe, thi nhau kể chuyện hài. Câu chuyện được giải là: Hôm qua PT mời tôi ăn sáng đấy. Chả biết thế nào nhưng chán quá. Hôm nay nghe bọ nói khi đói có tiền PT lo thì đúng là PT không keo kiệt rồi.

  4. Hồng Chương

    @Bọ và Mèo Bự:
    Tôi nhớ hồi nhỏ đọc truyện của ai đó có cả cô gái Lào bị ốm và con phỉ Koòng còi (lùn, nhỏ và có bàn chân bị vặn ngược) nó ám ảnh mình mãi về cái con vật kỳ lạ ấy. Vừa sợ sợ vừa tò mò
    Không biết đấy có phải là truyện của Lê Khâm không, hôm qua đọc còm của MB nghi nghi nhưng tìm mãi bằng Google mà không thấy

  5. Hưng

    Trong tủ sách nhà mình có cuốn mẫn và tôi, tái bản lần thứ 6, 30.000 cuốn ! Không dễ có cuốn nào được vậy trong cả nền văn học CM Việt Nam. Không biết người khác sao chứ với tôi, ngay cả giờ, chỉ cần lướt qua vài trang M&T là sẽ lại dính chặt và phải đọc bằng hết, cho dù đã đọc cuốn này không dưới 5 lần. Nhiều lịch sử, nhiều chi tiết một thời trong đó…

  6. Vietnam Economy

    Phải nói Phan Tứ là bậc thầy về tiểu thuyết.
    Tôi đã đọc và học nhiều tác phẩm của ông. Nhờ có entry này của NQL, những trang viết và nhân vật của “Gia Đình má Bảy”, “Mẫn và tôi” chợt hiện về như những ám ảnh…

    Nói qua một chút về “Người cùng quê”… Bộ sách dự định ra làm nhiều tập, nhưng cuối cùng mới xuất bản tập 1 thì Phan Tứ đã ra đi. Tuy vậy, chỉ tập riêng Người Cùng Quê tập đầu đã là một cuốn tiểu thuyết hòan chỉnh. Cuốn sách ra đời vào cuối những năm 80 đổi mới, khi ngòi bút của ông đã thuần thục hơn bao giờ hết. Vùng quê Quảng Nam đầu kháng chiến chống Pháp được tái hiện chân thật, sinh động.

    Nếu bây giờ Nguyễn Quang Lập tái hiện lại Người Cùng Quê bằng một vở kịch hoặc một tác phẩm điện ảnh thì hay biết mấy.

    Năm 1986, tôi vừa tròn 16 tuổi, nhờ nhận được giải thưởng thơ thiếu nhi của Tạp chí Đất Quảng, nên một lần được diện kiến Phan Tứ- là Hội trưởng Hội văn Nghệ Quảng Nam Đà Nẵng, và Bùi Minh Quốc – TBT tạp chí Đất Quảng lúc bấy giờ.

    Cũng cần nói thêm, Nguyễn Quang Lập lúc đó đang là cây bút mới nổi của Sông Hương và HVN Bình Trị Thiên. Truyện ngắn của anh góp mặt trên Đất Quảng (như “Đò ơi…”) đã tạo những dấu ấn đặc biệt…
    (Nhờ delete dùm entry trước, giữ entry này lại)

  7. le nam

    Bọ viết vè oonh Phan tứ,tên này em có nghe,nhưng chư đọc chưa biết nên không biết.Ông ta chắc cũng là nhà văn “lớn”như Bọ,do Bọ là đàn em ông ta,nên Bọ nói như trên,thì theo em mà Việt Nam ta có những người như ông ấy làm nhà văn hay lãnh đạo chắc dân chết hết.CÓ vị thế trong xã hội mà tẳn mẳn từ cây kim sợi chỉ thì làm sao mà lo cho đại sừ được,làm gì cũng có giờ giấc đến như cái việc “đúc tượng” thì đâu phải là người.Đúng là “kỳ nhân dị sĩ”theo kiểu quân tử Tàu.Theo em là của vứt đi,nếu là một người dân bình thường thì được>

    1. Thích Đủ Thứ

      Có thể Bác Nam chỉ đúng một phần!
      Biết đâu nếu Bác Phan Tứ nhà ta được giao làm lãnh đạo thì tình hình lại khác đi!
      Theo Sư em thi thời thế có thể làm người ta đổi thay một chút đấy!

  8. ha linh

    thằng Lập khoẻ trẻ đẹp trai, mày xông vào ăn trộm một bình tông nhanh lên. Mình lĩnh ấn tiên phong mò vào thuyền sờ soạng tìm rượu, chẳng may đụng phải chân Ngô Thị Kim Cúc, bà Cúc tưởng ai định sàm sỡ kêu ầm lên…
    ————————

    Đoạn ni hay nhất!

    1. Hồng Chương

      Chị Ngô Thị Kim Cúc đang có bài về Trường viết văn Nguyễn Du đăng trên báo Thanh Niên. Nhìn cái ảnh chị ấy chụp năm 1995 (ĐH nhà văn lần 5) thấy còn xinh lắm.

    2. Vũ Anh Tuấn

      Ngày xưa chắc lúc đó HL còn bé tí, cố nhà thơ PTD đã có 2 câu tả bọ nhà mình đi lấy riệu rồi , Xin chép lại để HL thương thức nhé
      Bọ lặng người, bò trong tiếng..hu..hu
      Chân bà Cúc vẫn còn ngon đáo để

  9. bachduongqt3065

    ” Phan Tứ là vậy, đi đâu nhỡ đói có anh mang sẵn tiền, nhỡ khát có anh mang sẵn nước, giấy lau miệng, tăm xỉa răng, dao cạo râu… đủ cả, đến cả giấy vệ sinh nhỡ khi đau bụng anh cũng chả quên. Hôm nghe tin anh mất, hình như là một ngày mùa thu năm 1995, mình đang ở Hà Nội, lảng lặng ra quán rượu ngồi một mình nhớ anh. Chỉ nhớ mấy chuyện lặt vặt ấy thôi mà ứa nước mắt.”

    Chào anh QL ! Tình cảm của các anh thật đầm ấm và chân thật, có lẽ những người bạn viết văn cùng sống và lăn lộn với một thời mưa bom đạn lửa mới cảm nhận được tình cảm của bạn bè nhiều đến thế anh nhỉ ?

    Ngày trước BD cũng mê đọc truyện của nhà văn Phan Tứ lắm, anh nhắc những truyện của nhà văn Phan Tứ như trước giờ nổ súng, Mẫn và tôi .. chừ quên mất rồi chắc có lẽ BD phải tìm lại để đọc có lẽ những truyện hay như thế sẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng bạn đọc hâm mô về nhà văn Phan tứ đâu anh
    Chúc anh một tuần mới nhiều niềm vui

      1. Cyclo! Cyclo!

        Chịu khó ra mấy vựa ve chai chắc tìm được, nói thiệt tình đó. Bây giờ nhà vệ sinh xài toàn giấy thơm hai lớp không à. Nhiều chỗ có vòi xịt rửa đàng hoàng, giấy thơm hai lớp chỉ để thấm khô (nếu không có máy sưởi tự động). Rứa đo rứa đo.

      2. bachduongqt3065

        Bạn Cyclo! Cyclo @ ! BD và Bọ đang nói chuyện sách, bạn lại đi nói ve chai với giấy vệ sinh… BD thấy bạn nói lạc đề mà nếu có chủ ý gì không hay, không văn minh thì bạn đừng nói ở chiếu rượu của Bọ Lập nhé ! Cảm ơn bạn

  10. Mèo Bự

    Lâu lắm rồi mắc được nghe đến ” Trước giờ nổ súng”. Ngày trước em cũng mê cuốn này lắm, em vẫn nhớ đoạn cuối, lúc anh gì (quên tên rồi) thò tay vào ngực, vô tình lôi ra tập ” Bản anh hùng ca số 5″. Trời ơi, sướng rêm !

      1. Mèo Bự

        Đúng rồi, cô ấy dễ thương lắm, bị ho lao, dẫn đường cho anh lính trinh sát tình nguyện băng rừng về đơn vị, cô ấy chỉ mong được bộ đội VN bắt được con gián trong cổ cô ấy. Cô ấy đã mang tập báo cáo về….
        Truyện hay và xúc động, không biết sau này PT có viết thêm về đề tài Lính tình nguyện nữa không? Em chỉ nhớ mỗi Mẫn và tôi và Gia đình má Bảy…

      2. NGUYỄN QUANG LẬP Post author

        trước “Trước giờ nổ súng” ông có cuốn tiểu thuyết “Bên kia biên giới”, sau TGNS ông ra thêm cuốn bút ký “Trên đất Lào” rồi thôi, từ 1964 trở đi ông chuyên về đề tài Miền Nam thống nhất đất nước

    1. danchoa

      to Bác Mèo@: Ngày trước em rất mê loại này, như Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, hoặc Rừng thẳm tuyết dày của nhà văn TQ. Lâu ngày quên mất tên của TG Trung Quốc. Bác có biết chăng?

  11. danchoa

    Cảm ơn Bọ đã nhắc lại PhanTứ,

    nếu Bọ không nhắc thì không những em và rất nhiều người đã quên mất Phan Tứ, tác giả của “Mận và Tôi”, ” Gia đình má Bảy”.
    Đối với em thì em nhớ Lê Khâm nhiều hơn là Phan Tứ. Hồi nhỏ em rất thích đọc ” Trước giờ nổ súng” lãng mãn cách mạng, và nhiều nét về cuộc sống và phong cảnh đất nước Lào xinh đẹp.
    Những tác phẩm sau này của PT thì toàn là anh hùng ca CM, quá chu chỉn và mẫu mực. Em chỉ đọc theo phong trào chứ không mang dấu ấn gì cả.
    Hình như giờ đây hầu như không ai nhắc đến các tác phẩm CM của PT nữa thì phải.
    Bọ kể chuyện đời thường của PT cũng thú vị và khôi hài.

    Cảm ơn Bọ

    C

  12. Vũ Anh Tuấn

    Gủi bọ L
    Em là thầy giáo của bọ đây, em xin lỗi bọ vì ngày xưa có trót bốc phét là “bạn” của Lê Khâm và…bản fotocopi của LK, mấy cái trò ấy bây giờ thời hội nhập người ta gọi là “Xây dựng thương hiệu” ấy mà, bọ chấp mần chi.Đọc bọ viết về PT, em chỉ phán 1 câu : Tài, tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư bọ L quê choa. Bọ khen, chê, rất “khôn”, chuyện đời, chuyện văn của PT cứ đan xen chê chê, khen khen không có cái tâm, không có tí kiến văn khó mà cảm được. Bọ viết ,cụ PT viết nhật kí bằng ngoại ngữ thế là đủ, răng bọ lại “tầm thường hóa cụ” bằng việc trưng ra cái bút tích tiếng tây của cụ, có khi nó lại gây hiệu ứng ngược lại đấy. Chào bọ nhé . Em cũng có 1 kỉ niệm độc đáo với cụ NK nếu bọ mua, em bán bản quyền ..hình như cũng sắp đến ngày giỗ cụ NK rồi. ( à..em không biết cụ PT còn hay đã “đi” rồi hả bọ.

    1. Tân Tân

      “Anh nói viết ngoại ngữ để rèn kĩ năng ngoại ngữ, với lại nhỡ có rơi vào tay địch hay tay ai cũng đỡ phiền.”
      Viết bằng tiếng Pháp để nhỡ có rơi vào tay tây thì đỡ phiền?!! (Đểu thế) Chứ không phải viết bằng tiếng Pháp để bọn bần cố nông dốt tiếng Pháp không đọc trộm mách lẻo ư?

  13. bamboospirit

    Nhà văn Phan Tứ tài thật thông hiểu mấy ngoại ngữ (Lào, Nga, Pháp) tính tình lại cẩn thận chu đáo. Phải chi các “bác” quan nha mình ai cũng như thế nhỉ!

  14. Thụy Lương

    Hồi học lớp 10 tôi đọc “Mẫn và tôi” thấy rất hay liền quảng cáo cho cô bạn học chuyên văn rằng hay lắm chỉ kém “Hòn đất” chút xíu thôi xem đi. Một thời gian sau thấy báo đăng bài phê bình nói “Mẫn và tôi” có nhiều nhân vật tính cách lặp lại nhân vật trong truyện ” Trước giờ nổ súng”, tôi thấy cũng có lý. Đọc mấy cái còm trên lại thấy những mặt trái của Phan Tứ. Chả hiểu đúng sai thế nào nhưng bản thân ai cũng không được hoàn thiện, ai cũng có mặt tốt mặt xấu, Phan Tứ đã là người thiên cổ rồi chúng ta nên có cái nhìn rộng lượng hơn.

    1. NGUYỄN QUANG LẬP Post author

      bản thân ai cũng không được hoàn thiện, ai cũng có mặt tốt mặt xấu, Phan Tứ đã là người thiên cổ rồi chúng ta nên có cái nhìn rộng lượng hơn.- bác TL nói rất đúng, cảm ơn bác nhiều

  15. ngườilàngcốm

    Bởi có những thầy giáo khoe là bạn học với Lê khâm, uống rượu nói chuyện với Lê Khâm và Phan Tứ, dạy Kiều không đọc hết Truyện Kiều, dạy chinh phụ Ngâm không biết cuốn Chinh phụ ngâm ngang hay dọc nên mới có hàng lô hàng lốc những bài văn cười ra nước mắt của học sinh trong những kỳ thi tú tài ngày nay. Vài ví dụ gần đây nhất, những câu viết về các tác giả:
    – Lỗ Tấn, sinh năm 1985, mất năm 1963, quê quán ở tỉnh Bắc Ninh, gốc Ba Tàu, từng có 3 đời vợ, 5 người con.
    – Tô Hoài sinh năm 1920, quê Nghệ An, năm 1960 ông có 200 bài thơ và đạt kỹ luật (kỉ lục) nhà thơ Việt Nam.
    – Tô Hoài là người chiến sĩ cách mạng đã từng sống và chiến đấu trên vùng đất… Tây Nguyên.
    – Tác giả bài thơ “Vội vàng” là cô Xuân Quỳnh

      1. ngườilàngcốm

        TO BỌ LẬP:
        Những ví dụ đó đã được đăng tải trên nhiều tờ báo như SGGP, Hà Nội mới, Giáo dục thời đại…

    1. bamboospirit

      Còn chuyện này cũng là có thật! Trong giờ văn lớp em cách đây mười mấy năm có bạn bình thơ Kiều là ngoài tài thi họa Kiều còn biết bắn cung khi bình tới câu thơ :
      Cung thương làu bậc ngũ âm … hihihi lúc đó cả lớp được một phen cười như vỡ chợ!

  16. Cyclo!

    “Nghe nói trước khi viết cái gì anh đều làm đề cương chi tiết đưa bạn bè đọc, cấp trên xem xét, cho góp ý xong thì mới bắt tay vào viết, rất nghiêm túc. Có lẽ vì thế văn anh càng về sau càng thấy hợp lý, mọi thứ đều đâu vào đấy nhưng mà đọc mất sướng.”. Nếu mần nhà văn kiểu rứa e đặt mấy chú bên Công nghệ thông tin viết cho cái phần mềm tự động coi bộ ngon hơn.

  17. Cá Gỗ

    Hồi xưa em mê mẫn chuyện Mẫn và tôi lắm Bọ nờ. Những chuyện Bọ viết về bạn văn bao giờ cũng làm cho người đọng lại chút cay cay nơi khóe mắt.
    Chúc Bọ tuần mới nhiều niềm vui

    1. NGUYỄN QUANG LẬP Post author

      Những chuyện Bọ viết về bạn văn bao giờ cũng làm cho người đọng lại chút cay cay nơi khóe mắt.- những chia sẻ thế này cũng làm bọ cay cay sống muĩ

  18. ha linh

    Một hôm mình nói anh Tứ chẳng khi nào nói chuyện kinh nghiệm viết lách cho tụi trẻ các em nghe cả. Anh mỉm cười, nói các cậu bây giờ thành sư cả rồi, cái mà mình cho quan trọng thì các cậu cho vớ vẩn, cái mà các cậu cho là ghê gớm thì mình coi chẳng ra gì. Cho nên mạnh thằng nào thằng đó cứ viết, thằng hót thằng hét thằng hát văn đàn Việt mới hay lên được.
    ———-
    nhất trí!

  19. Lê Mai

    Có thể nói, mỗi chân dung về nhà văn VN của NQL là một ký hoạ độc đáo, họ hiện lên rất bình dị, đáng yêu, đáng phục. Nhà văn NQL quả là có tài – chỉ vài nét chấm phá, đủ hiện lên một chân dung nhà văn, gần gũi, đời thường, không lên gân, không giả tạo. Nhớ Phan Tứ cũng vậy.
    Chúng ta để ý, mỗi khi viết về các nhà văn đàn anh, các bậc cao niên, ngòi bút của NQL rất trân trọng và tác giả thường đặt tên là Nhớ: Nhớ Phan Tứ, Nhớ Bùi Giáng, Nhớ Văn Cao, Nhớ Trần Dần…
    Đọc Nhớ Phan Tứ, cũng như đọc các Bạn văn khác, thấy vừa giống, vừa khác nhau. Cũng là nói chuyện đời thường, mà mỗi người một vẻ, hoà mà không lẫn – đó là cái hơn người của NQL vậy!
    Chất nhà văn, chất nghệ sỹ của Phan Tứ ẩn đằng sau những con chữ của tác phẩm. Đời thường của PT có hai điểm đặc biệt là chu đáo với bè bạn và có “thời khoá biểu” chặt chẽ. Ấy thế nhưng, cùng là “bướm” vây xung quanh, mà Hữu Thỉnh thì ứng xử một kiểu, còn PT thì lại ứng xử một kiểu khác, đó không phải sự độc đáo trong cách kể chuyện của NQL ư?
    Nhớ Phan Tứ làm chúng ta suy nghĩ về nhà văn, về nghiệp văn – càng suy nghĩ hơn trong những ngày rét đầu mùa HN.

      1. Lê Mai

        Cảm ơn bác Hồng Chương, dạo này tôi hơi bận một chút. Chúc bác khoẻ và mong rằng chúng ta lại gặp nhau nhiều trên mạng.

    1. Mèo Bự

      Chúc mừng bác Lê Mai đã trở về. Lâu quá rồi không được đọc còm của bác ở nhà bọ.

  20. Ngụy tiên sinh

    PHAN TỨ TỪNG VIẾT BÀI ĐÒI CÔNG AN BỎ TÙ NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN KHÁNH

    Ngụy tiên sinh công nhận, trong cuộc đời Phan Tứ là người sống có văn hóa, một người bên ngoài có vẻ tốt, trừ chuyện vô hậu dụ người ta có con trong rừng, khi hòa bình không hề ngó đến mẹ con người ta …
    Phan Tứ còn làm một chuyện không hề xứng đáng với tên tuổi ông, với ông ngoại Phan Chu Trinh của ông là PT đã viết một bài phê bình rất ác với tác phẩm khá hay của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ( ký Đào Nguyễn) có tên “Miền hoang tưởng”( NXB Đà Nẵng 1990). Trong bài phê bình sặc mùi công an này, PT quy kết NXK là chống đảng, là đại phản động, kêu gọi bỏ tù nhà văn tài năng này.sau này, chính báo công an lại ca ngợi cuốn “Miền hoang tưởng” của NXK, chứng tỏ bài phê bình của Phan Tứ là bài viết do ghen tức tài năng mà vu cáo người ta thôi.
    Sau mới thấy nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một nhà tiểu thuyết lớn của VN với hai tác phẩm đồ sộ từng được rất nhiều giải thưởng : “Hồ Qúy Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn”…còn tác phẩm Phan Tứ giờ in lại, rất khó bán vì cái thời của ông nhà văn bônsêvích này đã hết.
    Ngụy tiên sinh xin post bài ca ngợi cuốn “Miền hoang tưởng” từ web : http://cand.com để các bạn biết PT rất rất láo :Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Về từ “Miền hoang tưởng”
    Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

    Tiểu thuyết văn học trong độ mươi năm lại đây, nếu không có “Hồ Quý Ly” và “Mẫu Thượng Ngàn” thì sẽ bớt đi biết bao nhiêu cái sang trọng của bản sắc văn hóa Việt thấm đẫm trong văn học Việt.

    Tác giả của hai cuốn tiểu thuyết gây xôn xao dư luận và được tái bản nhiều nhất trong thời gian vừa qua là một người đàn ông vô cùng kỳ lạ. Đột ngột xuất hiện, như thể ông vừa bước ra từ một huyền thoại nào đó, từ một sự ẩn mình đâu đó lâu lắm, như loài trầm hương trong rừng sâu kia, một ngày nhoài lên từ lớp mùn và mục gỗ để đi về phía ánh sáng mặt trời và đem theo mùi hương quý giá.

    Tôi đã có cuộc trò chuyện kỳ lạ với người đàn ông kỳ lạ ấy trong một buổi sáng mùa đông đầy nắng của Hà Nội. Bên ngoài số nhà 36 ngõ Trần Khát Chân cũng lạ lắm, cũ kỹ và bí ẩn. Tôi áp mặt qua cảnh cửa sắt tò mò nhòm vô phía trong phòng khách nhà ông và bấm chuông. Một người phụ nữ cao gầy hé cửa cho tôi vào. Tôi lọt thỏm vào căn phòng mờ tối treo duy nhất một bức trống đồng khắc họa bằng kim khí. Một lát sau, ông xuất hiện ở cửa, dáng người cao gầy, cúi lom khom bước vào phòng khách. Mái tóc dày bạc xõa trước trán, và nụ cười thường trực trên môi với ánh mắt tinh nhanh hóm hỉnh. Ông xuất hiện, làm cho khung cảnh nơi đây sinh động hẳn lên.

    Khác với những gì tôi tưởng tượng, tiểu thuyết gia nổi tiếng này gần gũi và vô cùng bình dị, vô cùng sống động, trẻ trung trong câu chuyện đời mình và đời văn nghiệp mà ông vô tình ghé chân qua rồi trở thành duyên nợ suốt đời.

    Chúng tôi uống trà nóng, cười giòn tan bên những câu chuyện ngộ nghĩnh và cùng ông quay ngược thời gian trở về thời thơ ấu, về với những biến cố xảy ra trong cuộc đời nhiều sóng gió của ông. Ông kể rằng: sở dĩ, tính nữ thiêng liêng trong các tác phẩm của tôi dày dặn, phì nhiêu, sum suê và sống động, là bởi từ nhỏ tôi đã lớn lên giữa nỗi đau sự cô độc, cô đơn của những người đàn bà. Đầu tiên là già của tôi, một người đàn bà tự nguyện không lấy chồng để chăm lo cho các em rồi sau này là các cháu. Thời đó, tính đại gia đình là ghê gớm, chuyện một người con trong đại gia đình không nghĩ đến lập gia đình riêng để ở lại chăm sóc cha mẹ và các em là bình thường. Rồi đến dì tôi, bà cũng sớm mất chồng do ông bệnh nặng.

    Nhưng cú sốc lớn nhất đối với một thằng bé 7 tuổi non nớt như tôi là chứng kiến cái chết của cha tôi khi mẹ vừa tròn 30 tuổi. Mà người đàn bà bước sang tuổi 30 là lúc họ đẹp nhất, rực rỡ nhất, chín nhất và cũng là lúc khát khao hạnh phúc nhất. Chỉ vì những lễ giáo vô hình mà mẹ tôi phải ở vậy, hy sinh xuân sắc, thắt lưng buộc bụng quên mình đi để nuôi các con. Tôi, một thằng bé mọt sách, nghiền sách như mọt nghiền gỗ đến nỗi nhà có một cái tủ bị mất chìa khóa mà ngày nào tôi cũng hồi hộp đứng trước tủ chỉ để ao ước giá như cái tủ được mở ra, trong đó đầy sách. Ước ao nhiều đến nỗi khi mẹ tôi cậy cánh cửa tủ ra, trong đó chỉ là một cái tủ trống không tôi đã chạy ra ngoài òa khóc vì thất vọng. Một thằng mọt sách như tôi, sớm nhạy cảm và thấu hiểu những nỗi đau vô hình của những người đàn bà quanh mình. Chính nỗi cô đơn của họ đã trở thành một nỗi ám ảnh trong suốt và khắc khoải suốt cả tuổi thơ.

    Tuổi thơ tôi là thế giới trong sách và những buổi theo mẹ đi hầu đồng nơi cửa Phật. Những lần ngắm mẹ lên đồng cùng những bước nhảy mê đắm mà man dại nơi linh thiêng của người, tôi đã lặng lẽ gặm nhấm một cách hoàn chỉnh nhất, mặn chát nhất và rợn ngợp nhất nỗi cô liêu của mẹ, những khát vọng buồn bã và sâu thẳm của người đàn bà xinh đẹp mà cô đơn trong mẹ tôi. Có lẽ đó cũng chính là những giây phút tôi lớn lên, trưởng thành hơn và từng trải hơn. Cảm giác đó giúp cho tôi đến gần hơn với cõi thiền, một sự tĩnh tại triền miên, một thăng bằng vững chãi trong suốt cuộc đời mình, cả khi những biến cố xảy ra không thể nói không ghê gớm.

    Tôi không hề biết một ngày nào đó mình sẽ ghé chân qua ngôi đền văn chương rồi ở lại kiếp tu hành. Viết văn là một cuộc vật lộn khổ ải, một sự giãy giụa như không thể khác để vượt lên chính mình. Chưa kịp lớn thì tôi đã đi bộ đội, rồi lần đầu tiên cầm bút viết cái truyện ngắn “Một đêm” tự dưng lại được giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi truyện ngắn đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.–PageBreak–

    Từ đó, tôi gắn bó với văn chương như duyên nghiệp mà tình cờ số phận với những ngả rẽ bất ngờ đã đặt nó vào lòng tay. Mà cuộc đời của nhà văn nó phải như thế chứ. Tôi tin vào sự may rủi của số phận. Sau đó, khoảng năm 1960, tôi được trên cất nhắc cho về làm biên tập ở Tạp chí Văn Nghệ Quân đội cùng thời với những tên tuổi như: Vũ Cao, Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Võ Minh Châu, Xuân Thiều, Xuân Sách… Nhưng cái tính tôi nó cứ lông bông tình tang thế nào ấy, không phù hợp và không gắn bó nổi với một nơi quy phạm và chuẩn mực như quân đội. Rồi một rủi ro tai nạn nghề nghiệp, năm 1965, tôi được chuyển về Báo Thiếu niên Tiền phong, làm phóng viên thường trú ở Khu 4.

    Đến năm 1969, tôi về hưu non, ít sáng tác. Viết một số cuốn nhưng vì lý do tế nhị nên ký bút danh khác. Lao vào cuộc vật lộn vì mưu sinh, làm đủ nghề từ cao sang như dịch thuật (tôi dịch tiếng Pháp và tiếng Anh về Triết học, Tâm lý xã hội học cho Viện Thông tin) rồi làm thợ may (hồi đó không ít ông mặc áo của tôi, ví như Trần Tiến, Dương Thụ, Sơn Tùng đều chưng diện sản phẩm của tôi đấy) cho đến những nghề mạt hạng nhất như đi bán máu, nuôi lợn, gác nhà kho… tất cả cũng vì miếng cơm manh áo để nuôi mẹ tôi, 4 đứa con trai lộc ngộc và hai vợ chồng, tổng cộng là 7 miệng ăn trong gia đình.

    Cuộc sống thời điểm đất nước chưa qua khỏi chiến tranh vô cùng khó khăn, đói nghèo và gian khổ, bao nhiêu gia đình trí thức nghèo như tôi hồi đó cũng phải kiếm kế sinh nhai bằng đủ thứ nghề. Sáu năm trời ở nhà ăn, ngủ, sống và “chăm bẵm” với đàn lợn, tôi vừa nghiên cứu Kinh Dịch và viết tiểu thuyết “Trư cuồng”. Nói thật hồi đó, khó khăn quá, thiếu thốn quá, nhà nhà cải thiện bằng cách nuôi lợn. Người thành phố nhà cửa chật chội, không có chỗ nuôi lợn thì đành nuôi trên tầng 2, nuôi trong bếp, dưới gầm cầu thang. Đến ông Thành ủy, Khu ủy cũng nuôi lợn, toàn dân cuồng lên vì lợn, tôi gọi đùa là “bệnh điên lợn” mà.

    Thế rồi tôi vẫn kiên trì nhẫn nại với nghề viết dù cho cuộc sống lúc đó hết sức khốn đốn, chật vật. Văn chương đối với tôi là một khu đền đài linh thiêng, dù vô tình lạc bước nhưng đã đến một lần rồi thì không thể quay trở lại được nữa. Bao nhiêu năm vất vả vì mưu sinh, tôi vẫn chờ đợi, vẫn dồn nén cho văn chương bởi tôi biết cơ duyên của mình ở đó. Giờ đây tôi thật sung sướng khi không phải giấu tên dưới những cuốn tiểu thuyết của mình. Cái tên Nguyễn Xuân Khánh đã lại được trả về nguyên vẹn dưới tác phẩm văn học của “ông ấy”. Và sau bao nhiêu năm không được thừa nhận, giờ đây bạn đọc đã lại chào đón tôi, chấp nhận tôi, ưu ái và trân trọng những gì tôi viết, những thông điệp mà tôi gửi gắm, điều đó không gì tốt hơn và hạnh phúc hơn. Thế đấy, cuộc sống là một chuỗi vận động và biến thiên, để rồi sàng lọc và loại bỏ cái ấu trĩ, cái trì trệ, bảo thủ lạc hậu, và cái đích sẽ tới bao giờ cũng tốt hơn, tươi đẹp hơn, sáng sủa hơn. Cuộc sống là một sự vươn lên không ngừng nghỉ mà.

    Nguyễn Xuân Khánh cười vang khi kết thúc cuộc trò chuyện tưởng không thể dứt với những ký ức của mình. Ở “Hồ Quý Ly” hay “Mẫu Thượng Ngàn”, bạn đọc đều nhận ra cái thông điệp về tình yêu mà ông gửi gắm. Đọc sách của ông, thấy yêu hơn dân tộc mình, đất nước mình, gắn bó sâu sắc hơn với nền văn hóa Việt thuần khiết, và như đứng trước một trách nhiệm lớn lao hãy giữ gìn văn hóa Việt trong cuộc hội nhập ngày hôm nay.

    Cuối cùng thì Nguyễn Xuân Khánh cũng đã hào phóng dành cho tôi 2 giờ đồng hồ trong quỹ thời gian quý giá đã được sắp xếp một cách kín kẽ của ông (mỗi ngày ông dành ít nhất 3 tiếng để đọc sách và 4 tiếng để viết). Ông cho biết, về già rồi, trái với những cuốn sách đầy đặn chất “tình tang” mà ông viết thì ông lại đọc chủ yếu loại sách triết học, lý luận nghiên cứu nhiều hơn là sách truyện tâm lý tình cảm).

    Nguyễn Xuân Khánh cũng hào phóng hơn lệ thường khi cho phép tôi ghé qua phòng văn của ông để chụp hình kỷ niệm. Phòng văn cheo leo trên những bậc cầu thang dốc đứng. Tôi lạc vào một nơi cũ kỹ của những cuốn sách in trên thứ giấy nâu ngày xưa gáy bụi phủ. Bàn viết của ông là một chiếc bàn làm theo kiểu bàn Sakê của người Nhật nhưng nó nhỏ bé và mong manh như chiếc bàn chéo chân đặt trên giường tầng của sinh viên những năm 1990, chỉ khác là nó đặt giữa sàn và ông ngồi bệt xuống nền đá, còng lưng đưa bút trên những tờ giấy kêu sột soạt.

    Ở trên đó, những tác phẩm lớn đã ra đời…

    1. Cyclo!

      Cảm ơn Ngụy tiên sinh và Bọ Lập. Nhờ Chiếu rượu ni mà tại hạ mở mắt nhiều chuyện. Tiếc là mình bất tài nên chỉ chầu rìa coi ké chớ nỏ viết lách chi được…

    2. NGUYỄN QUANG LẬP Post author

      cảm ơn NTS đã cho biết thêm tư liệu PT và NXK. Về việc PT phê bình cuốn Miền hoang Tưởng không hề có lôi gì về tư cách cả, PT là nhà văn CM 100%, ông đánh cuốn sách đó theo cái nhìn của ông, theo lập trường của ông cũng là chuyện bình thường

  21. Lạc Dân

    Tui đọc Hai người bạn của Phan Tứ xuất bản khoảng năm 80. Giọng văn ông điềm đạm, đều đều kể về ông và một người bạn ở Huế. Lâu quá nên ấn tượng về ông chỉ có cái tên. Giờ bọ Lập kể lại mới biết đời thật, ông đúng là người chồng, người cha gương mẫu của gia đình, qua cách chia xẻ với bạn bè, ông lại là con người XHCN đích thực chăm phần chăm…

  22. Doan Tran

    Sau năm 75, có người giới thiệu với DT là văn học cách mạng củng có tí ti tình cảm lảng mạn hãy đọc “Mẫn và Tôi”. Người này còn quảng cáo thêm cho DT là ông này là cháu ngoại Phan Chu Trinh, dân tập kết,giỏi tiếng Pháp nên DT cũng tìm đọc. Nhưng thú thật DT thấy chuyện này phần tình cảm không hấp dẫn lắm chắc vì lúc đó DT quen với văn chương miền nam trước 75 chăng? Nay đươc nghe Bọ kể vài giai thoại về Phan Tứ củng thấy thú vị. Nhưng chuyện bọ mò vào xuồng nghe thú vị hơn, cám ơn sự thành thực minh bạch của bọ.

  23. mocchau

    Đọc Truyện của Phan Tứ thích ở chỗ có cách hành văn nhanh và dễ hiểu.Về con người chắc là còn sót lại từ thời thực dân Pháp.

  24. Flan

    Bọ viết về nhà văn PT hay quá. Một con người sống mẫu mực, chỉn chu, cẩn thận, chu đáo, luôn có kế hoạch trong cuộc sống và sáng tác, biết quan tâm mọi người từ những điều nhỏ nhặt nhất. Giá mà nhà văn làm anh lãnh đạo thì dân được nhờ to rồi.
    Buồn cười chi tiết mấy bác âm mưu “kích dục” nhà văn ngoan, hiền này quá hehehe.
    Mà sao nhà văn nào Bọ cũng tà như ông lái heo, ông chủ nhiệm HTX…?hihi

  25. Tuyên Hóa

    Có một chuyện hơi thất vọng về P. Tứ Bọ ạ. Hồi chiến tranh, ông được một cô du kích dễ thương chăm sóc. Họ yêu nhau và có một đứa con. Rồi P. Tứ chuyển công tác, hứa hẹn đủ thứ với cô kia. Nhưng rổi khi đất nước thống nhất, P. Tứ kg hề đoái hoài đến hai mẹ con cô kia, thậm chí kg một lần gặp mặt. Mãi đến khi ông mất, hai mẹ con mới được về để tang. Chuyện thật 100%. Mình biết và thất vọng về P. Tứ quá trời. Bọ biết chuyện này kg ạ?

      1. Huy Thuận

        “Cũng có thể PT cho rằng không phải con ông ấy chứ PT là người cực tốt theo bọ biết”. Ném đá bọ một phát, Bọ Lập có chửi tui cũng chịu!!!
        Bọ lập nghĩ các cô gái thời chiến tranh thế ư? Đọc đến cái com này tui lại nhớ một chuyện, giờ nhớ lại (lại tìm thấy trên mạng) tui vẫn còn xót xa.
        Chắc bọ biết rồi, chỉ mời bọ ngó lại!

        http://www.vannghequandoi.com.vn/t-liu-vnq/3466-hai-ngi-tr-li-trung-oan.html

        Cũng con nhà “nòi” CM nhưng tui phải thừa nhận, nhiều trong số các vị ấy tạo dựng cái vỏ bọc “đạo đức” thành công “tuyệt vời”!

        Đọc tác phẩm của NXK tui thật không ngờ có thời ông, một con người tài ba lỗi lạc, lại có lúc cơ hàn như vậy. Buồn!

    1. Trà Hâm Lại

      Chuyện thật 100% – và ngay cả ông Lê Duẩn cũng không dám ra mặt yêu thương lũ con mình khi đem chúng từ miền nam ra hải phòng – dù lúc đó y làm đến Tổng bí thư Đảng ! vậy PT và những người cùng kỳ , cùng cỡ quan thời đó thì có mà Bố bảo cũng không dám nhận !

  26. Kim Dung

    Hôm nay đọc bài về Phan Tứ của Bọ, mới biết thêm nhiều chuyện hay về cá tính nhà văn. Tôi đọc khá nhiều tác phẩm của Phan Tứ, nhưng giờ mới biết Trước giờ nổ súng là của ông. Nhưng phải nói sau Mẫn và Tôi, Phan Tứ được chú ý hơn nhiều. Tôi vẫn nhớ rất sâu đoạn tả tình cảm của Mẫn, sau cái chết của đứa con nuôi mới mấy tuổi, Phan Tứ viết rất giỏi về tâm lý người con gái chưa một lần lấy chồng, nhưng lại làm mẹ nuôi…Văn chương nước mình chưa có đỉnh, và nền thì mỏng manh (xin lỗi Bọ), nhưng cũng phải nói, có những tác phẩm của những nhà văn một thời họ cũng sống lý tưởng, và xả thân, và vì thế mà con người VN chịu đựng tất thảy, hy sinh tất thẩy cho độc lập, tự do của dân tộc. Đó cũng là những “viên gạch tinh thần” của dân tộc VN thời giữ nước. Cảm ơn Bọ đã có một bài viết về Phan Tứ với tất cả tính cách con người cụ thể của nhà văn.

    1. NGUYỄN QUANG LẬP Post author

      Văn chương nước mình chưa có đỉnh, và nền thì mỏng manh (xin lỗi Bọ), nhưng cũng phải nói, có những tác phẩm của những nhà văn một thời họ cũng sống lý tưởng, và xả thân, và vì thế mà con người VN chịu đựng tất thảy, hy sinh tất thẩy cho độc lập, tự do của dân tộc-
      Kim D nhận xét rất đúng, cảm ơn KD

  27. Trà Hâm Lại

    Về tình cảm của Bọ với cụ PT … thật là cảm động.
    Qua đây lại hiểu biết thêm về một con người mà tôi chỉ biêt chút chút ít ít qua sách giáo khoa.
    Tóm lại, những chủ nghĩa anh hùng ca của bác PT thì chúng ta rất nên học tập, còn chuyện các loại sinh hoạt theo kiểu ” phần mềm định sẵn ” thì khó nhằn quá. Thú thực , lại còn muốn đả phá nữa,
    Ai thì không biết chứ riêng cá nhân tôi mà đã lên cơn thì ” không bao giờ hoãn cái sự sung sướng ” để làm theo thời khóa biểu được !
    Có khi vậy nên không làm được nhà văn chăng ???
    Các Bọ, nghĩ sao về việc này ?

    1. NGUYỄN QUANG LẬP Post author

      Tóm lại, những chủ nghĩa anh hùng ca của bác PT thì chúng ta rất nên học tập, còn chuyện các loại sinh hoạt theo kiểu ” phần mềm định sẵn ” thì khó nhằn quá- hi hi đúng là khó nhằn, cái gì mà công thức quá đều mất hay

  28. SAO BIEN

    “Mình lĩnh ấn tiên phong mò vào thuyền sờ soạng tìm rượu, chẳng may đụng phải chân Ngô Thị Kim Cúc, bà Cúc tưởng ai định sàm sỡ kêu ầm lên, thế là lộ chuyện.”Khong biet Bo Lap luc ay di tim tuu hay tim sac he?kekee…..

  29. Ngo Thu Le

    Nhà văn Phan Tứ là một trí thức yêu nước, có trình độ học vấn cao, có tâm với cuộc sống, điều đó mọi người đều thừa nhận; và cũng đã có được một vị trí nhất định trong văn học 1945 – 1975. Nhưng có lẽ, vài năm nữa bạn đọc sẽ không còn nhớ đến Phan Tứ vì tác phẩm của ông không có gì lạ hơn chủ đề “yêu, căm, chiến, lạc” của một thời văn chương “phải đạo”, viết dưới ánh sáng nghị quyết…Không tin, các bạn thử đọc lại “Mẫn và tôi”,… đi đánh giặc mà cứ vui như trẩy hội…
    Tiếc cho một nhà văn có tầm nhưng sinh bất phùng thời.
    Bác Tứ không rượu không chè
    Không hút thuốc lá, không nghe nhạc vàng
    Ra đường bác rất đàng hoàng
    Về nhà với vợ, bác phang đúng giờ…

    1. NGUYỄN QUANG LẬP Post author

      Bác Tứ không rượu không chè
      Không hút thuốc lá, không nghe nhạc vàng
      Ra đường bác rất đàng hoàng
      Về nhà với vợ, bác phang đúng giờ…

      he he he ha hay!

    2. Dong

      Không hoàn toàn như thế bác ThuLe@. Đất, người và cuộc chiến tranh được bác Phan Tứ viết rất chân thực đấy chứ.
      Đành rằng, chiến tranh là khốc liệt, là hy sinh mất mát…nhưng hãy xem những nhật ký Thùy trâm hay Thạc…đúng là có những lúc người ta bước vào cuộc chiến với một tâm trạng như thế mà.

  30. Rau Sang

    “chưa đúng giờ thì có dí bướm vào mũi ổng vẫn không xao xuyến” – Thiệt không hả Bọ? Bọ có rứa không?

  31. daoducsangngoi

    mấy chuyện lặt vặt ấy thôi, cũng đủ làm nên hình ảnh bác Phan, lặng lẽ vun đắp cho những người xung quanh

  32. daoducsangngoi

    những chuyện lặt vặt ấy thôi, cũng đủ tạo nên hình ảnh bác Phan, lặng lẽ vun đắp cho những người xung quanh

  33. tata

    Phan Tứ là một trong những nhà văn lớn viết về chiến tranh cực rất hay. Mình đã từng đọc “M&T”, “Gia đình Má Bảy” cách đây lâu lắm rồi (quãng thập niên 70 TK trước thì phải). Giọng văn của ông đặc sệt chất của dân miền Nam, thế cho nên nó cuốn hút, lôi kéo người đọc, làm cho người đọc cảm thấy như mình đang hiện diện trong từng câu truyện của ông vậy. Hôm nay đọc “nhớ Phan Tứ” của bọ Lập mới thấy đằng sau sự viết văn của PT là cả một sự “lập trình” đến từng chi tiết trong cuộc sống và công việc thường ngày mới thấy trân trọng và khâm phục một đời người, một đời văn của ông.

  34. binh nhì

    Bọ ơi, con lấy tem “huy chương đồng”nhé. Hihi. Con mới biết web của bọ, đọc thích quá. Con thấy bọ có lắm nghề rồi, nhung không biết bọ đã làm họa sĩ chưa? Nếu làm chắc ngon vì mỗi chân dung bạn văn bọ chỉ vẽ vài nét mà nhớ mãi.

Đã đóng bình luận.