Sợ sự thật

Blog FB của Cô Gái Đồ Long ( tại đây!) cho hay: “Huyện Xuân Lộc bây giờ đã là Thị xã Long Khánh nên đường Nguyễn Văn Bé cũng được mở rộng hoành tráng, chạy dọc suốt chiều ngang thị trấn như con đường huyết mạch. Nhưng, tự dưng gần đây mấy bác lãnh đạo địa phương bất ngờ cho đổi tên đường Nguyễn Văn Bé thành Hồ Thị Hương”.

Thế là câu chuyện Nguyễn Văn Bé đã lộ sáng. Hoặc anh ta là nhân vật anh hùng không có thực, anh hùng tuyên huấn như kiểu anh hùng Lê Văn Tám; hoặc đó là kẻ chiêu hồi, anh ta không hy sinh năm 1966 mà chết vì bệnh năm 2002 tại Mỹ. “Tuy nhiên, theo một số tài liệu khác của quân đội Mỹ đưa ra, có thể tìm kiếm google – trong đó có cả tờ Times đáng tin cậy và nhiều tờ báo thời điểm 66-67 đăng tải hình ảnh anh Nguyễn Văn Bé còn sống, lại thế này: Năm 1966 Nguyễn Văn Bé bị bắt và đã chiêu hồi. Mỹ – ngụy.”  Tin này của Cô Gái Đồ Long giống như nhiều nguồn tin khác mà mình đã biết từ lâu. Mình biết từ lâu thì các cấp chính quyền lớn nhỏ còn biết trước mình lâu hơn nữa.

 Nguyễn Văn Bé có phải là nhân vật anh hùng hay không? Câu trả lời ở tấm biển đường Hồ Thị Hương vừa mới thay thế biển đường Nguyễn Văn Bé. Sự thay thế lặng lẽ đó cho thấy người ta đã biết sai nhưng không dám công bố. Cũng như  câu chuyện Lê Văn Tám là do ông Trần Huy Liệu dựng lên, chính gs Phan Huy Lê đã công bố điều này (tại đây!). Thế nhưng cho đến nay không một ai, một cơ quan nào dám đứng ra thừa nhận sự thật mà gs Phan Huy Lê đã nói.

Để tránh phải đụng chạm đến sự thật, người ta hô hoán lên câu chuyện “lật đổ thần tượng”. Khốn thay, nào có thần tượng đâu mà lật đổ? Không lẽ lật đổ thần tượng giả mà sai, mà nguy hiểm? Vô lý! Giải thích cho việc công bố anh hùng Lê Văn Tám là không có thật, một thần tượng giả mà ta đã tôn thờ bấy lâu,  gs Phan Huy Lê đã nói: “Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực”.

Quá đúng!

Thì thì tại sao người ta sợ sự thật đến thế? Vì sự thật là thứ  luôn gây bất lợi, rất nguy hiểm cho chế độ ta, có phải thế chăng?

Nguyễn Quang Lập

……

Thư  email của anh Cao Chính Thắng, người cùng làng với mình.

Ngày đó trong mỗi người quê choa  luôn mang một bầu nhiệt huyết  cách mạng. Anh còn nhớ (chắc không nhầm) bài hát “Noi gương  Nguyễn Văn Bé” có câu: “Quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, có anh Bé noi gương anh hùng. Giặc bao lần ….”. Tháng 1/1977 nhận quyết định phân công công tác vào Tiền Giang, sau 2 tháng anh phải tìm cho bằng được nơi có “chiến công” của NVB. Đó là xã Lương Hòa Lạc, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang theo sự chỉ dẫn của ông Chín Mộc (N.v phòng hành chính ty Thủy lợi Tiền Giang). Anh không tin nổi khi người dân ở đó cho biết ở đó cũng có một vụ nổ do sơ suất của lính VNCH sau khi đi càn về, và cũng có một nhân vật NVB là “lính chiêu hồi” chứ không phải là tác giả của vụ nổ. 35 năm qua anh vẫn còn nhớ mãi và chỉ biết thông tin cho bạn bè trong những lúc vui, buồn … thế sự. Nhưng chẳng có ai biết ….

        Nay khi xem bài “Sợ sự thật” của em, anh mới được “giải tỏa” phần nào là ít nhất cũng có một người “Quê choa” nói lên nỗi băn khoăn của mình.
        Chuyện trò với Lập với những gì anh đã tìm hiểu cách đây 35 năm. Với tuổi 24 lúc đó, bối cảnh lúc đó anh chỉ biết vậy, Còn thực hư thì “biết thế nào mà nói (!)”…..