Mình quen anh Châu ( Nguyễn Minh Châu) đã lâu lắm rồi, hình như từ thủa mới ti toe viết văn đã biết anh. Nói thật đọc văn anh cứ hình dung anh hoành tráng lắm, nếu không oách thì cũng linh lợi hoạt bát, sắc sảo có thừa, té ra không.
Khoảng năm 1980 gì đó mình đến Hội nhà văn chơi với mấy ông nhà văn quen. Hồi này Hội nhà văn còn ở 65 Nguyễn Du. Mình ra nhà tiểu đúng lúc mọi người tan họp, chen nhau đi vào. Mình thấy một ông nhà văn đội mũ bê rê đen, mặc áo đại cán màu cháo lòng, dáng lọ mọ khóm róm, biết ngay là ông nhà văn xứ Nghệ, đoán mãi không ra nhà văn nào.
Anh đứng thập thò ở cửa nhà vệ sinh, rụt rè như đứng trước cửa quan, có người vừa ra, anh định vào, người khác nhanh chân hơn tót vào, anh lại đứng vậy, cái mặt vừa lo sắp vãi ra quần vừa ngượng khi tính phải chen ngang người khác. Có người tre trẻ nhác thấy anh, nói Châu vào đi, gớm, đi đái mà cũng rụt rè. Anh nhoẻn miệng cười, cái mặt đỏ kè xấu hổ, y chang ông con rể chuẩn bị ôm vợ bỗng gặp ông bố vợ.
Phải nói mình quá ngạc nhiên, không ngờ người viết Dấu chân người lính, Cửa sông, Miền cháy lại là anh. Mình chào, bắt tay anh, anh nhìn mình cái nhìn dè chừng, nói xin lỗi ông viết gì nhỉ. Nói xong anh cười ngượng ngập như nói năng thất thố với cấp trên. Khi đó mình chỉ là thằng con nít, dăm ba bài thơ làm vốn, có gì mà anh làm như mình nhà văn lớn, gọi mình bằng ông bằng vai phải lứa, lại ngượng ngập khi chưa đọc cái gì của mình.
Mình nghĩ anh diễn vai khiêm tốn vậy thôi, người viết văn cao sâu đâu phải tay vừa, trong làng văn ai ai cũng kiềng nể, nếu chọn 5 nhà văn viết truyện ngắn hay nhất chắc chắn có tên anh, riêng mình thì mình xếp anh số 2 sau Nam Cao, sau mới biết tính anh vậy, ngồi đâu cũng rụt rè cả thẹn như gái mới về nhà chồng.
Ngồi đâu anh cũng chỉ lắng nghe, ít khi tranh luận đôi co, có ai nói gì thì mắt trố miệng há, nói a thế a, rồi gật gù, rồi im lặng lắng nghe bất luận người ta nói hay dở thế nào. Có người nói gì đó hay, hơi độc chiêu một chút, kìm không nổi anh cười phá lên rồi ngay lập tức ngậm ngay tiếng cười. Thật tinh ý mới thấy thái độ của anh qua ánh mắt khi vụt sáng khi tối sầm khi lờ đờ như kẻ mất ngủ, nếu thoáng qua dễ thấy anh nhạt, khó chơi nữa.
Xưa mình ở quê, lâu lâu ra Hà Nội, gặp anh lần nào cũng vậy, cái bắt tay nhẹ không, nói ông mới ra à, rồi im, tuồng như anh chẳng có gì mà nói nữa. Mình có mời anh vô quán thì anh vô, anh chẳng bao giờ mời. Quen tính anh rồi, mình nói anh hay nhỉ, khi nào cũng sợ mình nói chẳng ai nghe, mình có mời vào quán cũng chẳng ai vào. Anh cười khì khì, nói cáí tính mình nó khỉ thế, sợ từ con giun con dế sợ đi, đã thế lại còn đi viết văn, bố khỉ.
Mấy anh văn trẻ đi cơ sở nói chuyện văn thơ rất thích kéo Nguyễn Minh Châu đi, có tên anh trong đoàn mới oách. Chèo kéo năm lần bảy lượt anh mới đi cho một lần. Trước khi đi bao giờ cũng ra giá trước, nói các ông nói nhé, tôi không nói đâu nhé. Xe dừng, mọi người chạy ra đón, mặt mày nhớn nhác nhìn quanh, nói Nguyễn Minh Châu đâu Nguyên Minh Châu đâu , mắt cứ tìm kiếm nơi mấy ông hoành tráng, có khi đứng trước mặt anh rồi vẫn cứ nhớn nhác nói Nguyễn Minh Châu đâu Nguyễn Minh Châu đâu.
Vào cuộc người ta nói đông nói tây, anh cứ ngồi khóm róm, nơm nớp sợ người ta gọi đến tên mình, y chang cậu học trò không thuộc bài.
Anh nói ông ạ, trên đời này tôi hãi nhất là người ta bắt tôi đi nói chuyện. Có lần tôi về Nghệ An, người ta nói mãi mình cứ chối thì người ta cho mình kiêu, nhận lời rồi thì lo mất ăn mất ngủ, không biết nói cái gì, cái đầu khi đó như cục vôi sống, không nghĩ ra được cái gì, khỉ thế.
Nghe nói Nguyễn Minh Châu nói chuyện người ta kéo đến đông lắm, mình hãi quá, nhìn đâu cũng thấy mắt là mắt, giống như người ta sắp ăn thịt mình, hãi chết. Mình nói năng ngậm rờ, người ta chán, nói chuyện riêng ồn ào như vỡ chợ. Mình ngồi nhăn răng cười. Mấy ông tổ chức lo hoảng, sợ mình buồn, buồn cái gì, người ta không nghe mình là phúc chứ buồn cái gì. Anh cười khì khì, nói bố khỉ.
Mình kể cho anh nghe có ông ở Đà Nẵng đóng vai Nguyễn Minh Châu đi nói chuyện nhiều nơi, bất kì tác phẩm nào của Nguyễn Minh Châu ông này đều thuộc nằm lòng, ông nói rất hay, ra giá với nơi nói chuyện cũng rất tài, mỗi lần nói chuyện chí ít một tạ gạo dăm bảy cân đường. Nói chuyện cả năm trời người ta mới phát hiện ra Nguyễn Minh Châu giả. Anh Châu cười khì khì, xuýt xoa nói chà chà, cái thằng tài, mình không bằng cái móng tay của nó.
Thành ra khi anh viết bài Ai điếu, đọc sướng rêm, gặp anh mình ôm chầm lấy liển, nói trời ơi không ngờ Nguyễn Minh Châu nói năng dũng mãnh thế này. Anh mặt mày nghiêm trọng, kéo mình vào một góc, nói trong kia có ai nói gì mình không. Mình nói không ai làm gì anh đâu, thời buổi đổi mới rồi anh ơi.
Anh cười, thở hắt ra, nói không viết thì không nhịn được, mà viết rồi lại cảm thấy mình có lỗi, dù sao mình ăn nằm với người ta quá nửa đời. Hiếm nhà văn nào đựơc như anh, phẩm tiết trước sau như một nhưng cái lòng thương người thương chế độ thật mênh mông.
Xưa nay ai anh cũng thương, kể cả những người ghét anh, chỉ chực anh hở ra câu gì là nhảy lên cục lên ban tâu liền, anh cũng chả thù hằn, ghét bỏ gì. Tính anh vốn cả nể, sợ mất lòng. Con kiến cắn anh cũng chỉ phủi đi chứ không giết, nghĩ mà thương.
Nguyễn Minh Châu nhút nhát nhưng nghịch ngầm, năm 1984 anh vào Huế, một hôm gặp mình anh nói tôi vừa phát hiện ra quán cháo gân bò hay lắm. Mình nói ngon hả anh, anh cườì khì khì, nói không ngon lắm nhưng mà hay.
Mình đi theo anh, chị bán cháo gánh béo trắng mượt mà, ngực lớn trắng hồng phồng căng, quần lụa mỏng đứt một đường thẳng khít đũng quần. Chị làm như không hay biết gì, cứ múc múc chan chan, khi cúi xuống khi ngước lên, ngực rất vừa tầm mắt người ngồi ăn, cặp đùì khi khép lại khi xoè ra, đường chỉ đứt đũng quần nứt ra một đường trắng bóng. Anh ghé tai mình cười khì khì, nói hay không hay không, tụi mình viết văn đéo câu khách giỏi bằng bà này.
Đến khi anh đi xa rồi, mỗi lần nhớ anh, không nhớ gì chỉ nhớ mỗi chuyện ấy. Anh ra đi năm 1989, đúng năm đất nước đổi mới thế giới đổi thay, suốt đời viết văn khóm róm chỉ mong có một ngày nhìn thấy cái sướng nó méo hay tròn, đúng lúc sướng rồi thì anh lại ra đi, nghĩ mà ứa nước mắt.
Cứ tưởng anh sống như thế thì bạn bè anh, những người sống cùng anh dọc cả đời lính lẫn đời văn nghe anh mất thì đau lòng lắm, hoá ra cũng có kẻ không như thế. Buổi tối anh ra đi ti vi đang phát phim Đơn giản tôi là Maria, phim này một thời hút hồn cả nước, đám nhà văn cũng bị hút hồn theo.
Anh Đỉnh ( Trung Trung Đỉnh) nghe tin anh mất chạy ào xuống báo, nói anh Châu mất rồi. Không một cái đầu nào ngẩng lên. Anh Đỉnh tưởng người ta không nghe, lại nói anh Châu mất rồi. Vẫn không ai ngẩng đầu lên, phim đang đến đoạn hay. Anh Đỉnh nói to hơn, gay gắt hơn, nói ơ kìa anh Châu mất rồi mọi người không nghe à. Có người nhăn mặt cáu kỉnh, nói biết rồi, và lại dán mắt vào ti vi.
Bài đọc thêm
HÃY ĐỌC AI ĐIẾU CHO MỘT GIAI ĐOẠN VĂN NGHỆ MINH HOẠ
Nguyễn Minh Châu
Là một người sáng tác, chắc tôi cũng giống như nhiều anh em sáng tác khác, có thói quen vừa viết vừa tự quan sát, nhìn theo cái ngòi bút của mình có lúc đầy hào sảng có lúc lại đầy đắn đo hồi hộp lẫn e ngại chạy trên mặt tờ giấy định mệnh.
Chao ôi, để bụng không nói ra thì thôi chứ nói ra cái chuyện này nó vui lắm, mà nó cũng buồn lắm, có đôi khi buồn đến thối ruột! Thú thật chừng ba bốn năm trở lại đây tôi cứ nổi lên nhũng cơn ngán giấy bút, hay so sánh mình với những anh em bạn bè cầm bút một cách suôn sẻ bình thản, được trời đất ban cho một cái tạng nhà văn luôn luôn sẵn sàng thích nghi với mọi thứ lý luận và luật lệ văn học, họ thật sướng, viết ra trang giấy mà trong bụng chẳng bao giờ có điều gì phải sợ sệt, lo lắng, như một người bao giờ cũng sống đĩnh đạc, cứ thẳng đường chính rộng lớn mà đi; còn mình thì y như một kẻ gian phi lúc nào cũng như đang lén lút thu giấu cái gì quốc cấm trong cạp quần hay dưới áo. Nghĩ mà buồn quá, nghề giấy bút nó chẳng nuôi gì được mình mà chỉ thấy nó hành mình.
Có lúc – nói ra thật lẩm cẩm – tôi lại hay đem so sánh mình với các nhà văn của những đất nước hàng trăm năm bình ổn, các nhân vật của họ phải chịu đựng nỗi đau khổ dằn vặt thật là sang trọng, chứ đâu như cái đám nhân vật của mình, không những cái đau khổ, hoạn nạn mà cả cái vui, cái hạnh phúc của họ nó cũng nhem nhuốc, nhớn nhác, tội nghiệp quá! Hỡi ôi, bao giờ nhân vật của mình mới được sang trọng, để cho mình cũng sang trọng lây!
Có lúc tôi lại đem công việc của chúng ta so sánh với công việc của các nhà tiền chiến cầm bút trước cách mạng, gọi là các nhà văn hiện thực phê phán. Ví dụ như ông Nam Cao chẳng hạn. Có lần ông ấy la lối, hô hoán ầm lên rằng thiên hạ bít hết lối của ngòi bút ông ấy. Viết cây chuối hay con chó hoặc kẻ say rượu đều phạm húy, đều có người đe đánh, đe đốt nhà. Bị o ép đến vậy tưởng không viết được gì, thế mà cuối cùng, cả một đời cầm bút của Nam Cao trước cách mạng số năm có là bao nhiêu đâu, vậy mà đủ để lại khá nhiều, nhất là có thể có cái quyền viết rất thực, bao nhiêu lẽ đời, sự đời, bao nhiêu khuôn mặt người đời thực đến thế. Chí Phèo thực đến thế. Thật là vừa được viết vừa được nói. Chứ như đám chúng tôi, từ nhà văn trẻ đến lớp nhà văn già được chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng quá đi mất. Sao lại như vậy nhỉ, sau bốn chục năm nhìn trở lại những nhà văn tiêu biểu của nền văn học phần đông nếu không phải là tất cả, đều có tì vết trong lịch sử đời cầm bút? Rồi thì từ đấy bắt buộc sinh ra một cái thói quen không biết bắt đầu từ lúc nào mà tôi nghĩ nó rất thảm đối với tư cách của một người nghệ sĩ, hễ cầm bút là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó. Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngòi bút thứ hai này – buồn thay – các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm!
Quả thật tôi không có tài rào đón, che chắn nhưng cầm bút viết văn đến một lúc ngồi nghĩ lại cũng tự nhiên sinh ra giận mình đến phát chán mình, chán cả cho đồng nghiệp, bè bạn. Điều đáng buồn nhất là những người phải xoay trở, vặn vẹo cây bút, phải làm động tác giả nhiều nhất là những nhà văn có tâm huyết, có tài, muốn văn học phải có cái gì của văn học, chứ không muốn văn học chỉ là một sự minh họa. Trong khi đó những cây bút minh họa, những tác phẩm minh họa hoặc ca ngợi một chiều thì lại thoải mái, người viết cầm bút thoải mái mà chẳng có gì phải luồn lách, phải đắp đậy, rào đón, chỉ phải cái nó công thức và sơ lược, nó nhạt, và càng ngày người đọc càng thấy nó giả, mỗi ngày người đọc càng thấy rõ ở những tác phẩm minh họa và ca ngợi một chiều một sự giả dối không thể nào bào chữa nổi, đắp đậy nổi, so với cuộc đời thực bên ngoài.
Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng – nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn – không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh “lột xác”). Từ đấy rồi trở thành thói quen. Thói quen của một người vốn quen đi trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp. Lần lượt bắt đầu là các nhà văn tiền chiến rồi hết lớp người cầm bút này đến lớp người cầm bút khác, với một khả năng thích nghi hết sức ghê gớm, các nhà văn đã thích nghi với văn học minh họa như thích nghi với cách sống gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh. Những nhà văn tuy đều cảm thấy thiếu thốn và bức bối nhưng lại tự dụ dỗ mình và khuyên nhủ lẫn nhau tự bạt chiều cao cho thấp đi khỏi chạm trần, tự ép khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềnh càng, để đi lại được thoải mái trong cái hành lang kia.
Tuy vậy, cứ mỗi lần hết chiến tranh chuyển sang hòa bình hoặc cứ lâu lâu sau một số năm, đường hướng minh họa và tình hình mất dân chủ trong văn nghệ lại làm dấy lên những vụ này vụ khác. Những người “lính gác” lại có dịp “khép lại” và không rời mắt khỏi từng người, đặc biệt là những người có tài hay có tật và không ngừng thuyết phục với tất cả cũng như với từng người rằng cái hành lang kia là tất cả thế giới của văn nghệ cách mạng. Không khí để thở, bầu trời để ngắm, đất dưới chân để đi lại chỉ có thế và đấy là tất cả thế giới minh họa, ở trong đó nhà văn tha hồ vùng vẫy, sáng tạo và phát huy tài năng. Trong nghệ thuật hội họa châu Âu chẳng đã từng để lại những tác phẩm danh họa về lịch sử tôn giáo và đời các thánh, thực sự những tác phẩm hội họa cổ điển sẽ sống đời đời ấy là những tác phẩm minh họa. Tôi nghĩ rằng đường lối chính sách của Đảng, kể cả những cái sáng suốt đúng đắn cũng như cái sai lầm đang được điều chỉnh trong từng thời kỳ bao giờ cũng có thể soi rọi, giúp nhà văn nhìn thấy những vấn đề thực tế rất sâu xa của đất nước, gợi ý cho nhà văn những suy nghĩ, chiêm nghiệm quý báu. Nhà văn như một người trinh sát cuộc đời, vậy thì việc tìm hiểu sự hình thành những đường lối chính sách chính là sự tìm hiểu việc đời từ trong quá trình.
Ý nghĩa tác dụng của đường lối, chính sách đối với văn nghệ là như vậy. Tôi nghĩ rằng khi nhà nghệ sĩ đứng trước một sự vật, nảy ra ý tưởng minh họa khi tìm thấy ở nó tràn ngập cảm xúc về cái chân lý và cái đẹp.
Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng, – nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn. Như một người đánh mất phần hồn chỉ còn phần xác, hoặc chỉ còn cái phần hồn do nhà nước bao cấp. Chúng ta không thiếu những nhà văn có lòng và có thực tài nhưng cũng không vì thế hàng chục năm qua có khi họ phải ôm hai thứ đó trong người như hai thứ tội nợ, vì thế mà đâm ra sợ chính mình. Sau một vài lần viết ra bị vấp váp, bị thổi còi, bị phê phán trên báo, được tập thể góp ý xây dựng, nhà văn ngồi một mình giữa vắng vẻ ngâm nga: “Chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa”, nhưng làm sao mà chừa được. Con người nghệ sĩ là thế đấy, dù cho rằng anh ta hèn đớn vẫn không chừa được thói quen khao khát sáng tạo, lời nói thật và chút lòng với đời. Nó như một thứ bản chất thiên phú, hay một thứ bản chất giời đày?
Rồi vẫn được viết, vẫn cầm bút, vừa muốn phô diễn tư tưởng, chõ miệng ra giữa hai hàng chữ để cảnh tỉnh với đời một cái điều gì đó tiên cảm thấy trong đời sống nhưng lại muốn giấu đi, gói nó trong bao lần lá, rào nó sau bao tầng chữ. Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái. Có người lại biến cái sợ cái hèn thành một thứ vật trang sức và thách thức, vật biểu hiện của sức sống dai dẳng. Giữa chồng sách trước mặt tôi lúc này là hai tập Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của nhà thơ Xuân Diệu. Một nhà thơ lớn như Xuân Diệu làm một công việc rất công phu là bình giá và giải thích những giá trị văn học cổ điển của nước nhà, mà sao Xuân Diệu phải rào đón, dựng lên bao nhiêu là lớp phên giậu để tự che chắn? Sao mà khổ vậy? Rồi thì dù không muốn tôi cũng phải nói rằng sự độc đoán và chế áp của lãnh đạo văn nghệ trong nhiều năm qua đã khiến cho những nghệ sĩ chân chính luôn luôn gắn bó với cách mạng, với Đảng, suốt đời cảm thấy phạm tội.
Cũng trong một con người cầm bút, có khi cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn nằm chờ ngày xuống mồ!
Con đường của một cây bút trẻ hăm hở phấn đấu hết mình để trở thành nhà văn cũng là con đường phải giết đi cái phần nhà văn trong con người mình, con đường tự mài mòn đi mọi cá tính và tính trung thực trong ngòi bút!
Chúng ta phải nhìn lại kỹ càng cái hành trình văn học đã đi qua bằng con mắt thông minh, không phiến diện và thực sự cầu thị, để một mặt không phủ định tất cả, một mặt khác, với một tinh thần tự phê phán thấy cho được rằng: có thể đôi khi với động cơ tốt chúng ta đã trói buộc lẫn nhau trong một thời gian hơi quá dài của mấy lớp người cầm bút, trong khi lại đòi hỏi phải có những tác phẩm lớn. Thật là mâu thuẫn. Chả khác nào trói lại rồi bảo đố mày bay lên!
Muốn có tác phẩm lớn, nhưng liệu chúng ta có chấp nhận nổi những tính cách ngòi bút của một nghệ sĩ với tầm tư tưởng lớn mà tôi nghĩ bao giờ nó cũng quá chói sáng, với những điều nói thật không phải bao giờ cũng dễ nghe, thậm chí có thể làm đảo lộn mọi quan niệm với những nỗi dằn vặt, băn khoăn lớn chung quanh cái bề mặt nhãn tiền và tận chín tầng đất sâu của cuộc sống con người trên dải đất này.
Và tác phẩm lớn là gì?
40 triệu dân của đất nước Tây Ban Nha được nhân loại biết đến và kính trọng bằng một lão gàn vĩ đại vì mang trên mình tất cả tính ảo tưởng muôn đời của toàn thể nhân loại.
Và gần một tỷ người của đất nước Trung Hoa được nhân loại thấu hiểu sâu sắc bằng một anh chàng nông dân A.Q.
Cả Don Quichotte lẫn A.Q chẳng hề làm xấu Tây Ban Nha lẫn Trung Quốc, mà làm đẹp cho cả hai đất nước này.
Tài năng, nhất là những thiên tài bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến, nhưng cũng như một Nguyễn Du, họ đến cũng trong khắc khoải nhân sinh, chỉ có điều đau đớn hơn mọi chúng ta, và cũng trong lầm lũi cát bụi cuộc đời thường. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tỵ với họ, đừng làm họ sống dở chết dở mà vẫn phải nở nụ cười, đừng làm cho họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta.
Công việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ của Hội Nhà văn hôm nay không phải là chuẩn bị cái lò ấp hàng trăm hàng ngàn quả trứng gà trứng vịt, mà là chuẩn bị cho những tư cách nghệ sĩ và tài năng lớn ra đời.
Nói thế có bốc đồng chăng, cao vọng quá chăng? Nhưng chúng ta phải đốt lên ngọn lửa cao vọng! Chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn cứ yên tâm sản xuất ra toàn những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học thế giới. Chẳng lẽ Việt Nam ngày nay chỉ hưởng của thiên hạ mà không làm ra được cái gì góp vào của chung của thiên hạ? Chẳng lẽ các nhà văn Việt Nam đi ra ngoài mãi mãi chỉ có chung một cái tên riêng là nhà văn Việt Nam? Để rồi quay trở về, con hát mẹ khen hay? Và đàn con cứ mãi mãi suốt đời tự hào được người mẹ ở trong nhà khen ngợi!?
Tôi nghĩ rằng trước hay sau, ai cũng trở thành bảo thủ, lạc hậu, cũ kỹ cả. Bảo thủ về già là một quy luật. Trong khoa học, đến một bộ óc mới mẻ như Einstein về già còn bảo thủ cơ mà! Cái mới nào mà chả cũ đi, – trên dòng thác biến đổi qua thời gian? Cái chính là chúng ta biết cười xòa chợt nhận ra mình đã sai lầm, đã bảo thủ. Chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn sau cái tiếng cười ấy. Bởi vì sau đó chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ giơ tay ngăn cản cái mới, cái tiến bộ, mà sẽ xuất hiện một quyết tâm làm mới lại mình với thái độ chân thành, xởi lởi, cởi mở, để cùng nhau xây dựng một giai đoạn văn học và văn nghệ mới.
Vừa qua chúng ta có in lại tuyển tập của các nhà văn đàn anh. Giở những bản tổng kết những đời văn như còn đẫm mồ hôi ấy, điều khôn ngoan cuối cùng rút ra là không chừa một ai, tất cả chúng ta phải biết lễ phép trước quy luật đào thải. Những cái gì đích thực văn chương thì nó còn, không tái bản, không tuyển tập, báo chí không đề cao lên nó cũng còn. Nó còn như đất cát, cây cỏ, như ca dao, tục ngữ, như cuộc sống bình dị và bền vững luôn luôn còn đó. Còn những gì phe phẩy, ưỡn ẹo hoặc cứ nhảy cẫng lên thì ngược lại, nó mất, cát sỏi lại trở về cát sỏi. Tôi đọc những tuyển tập thấy rất tiếc cho những tài năng. Giá mấy chục năm qua văn nghệ không chủ yếu lấy minh họa làm đường hướng, đừng có cái hành lang hẹp và thấp ấy, cả cái bầu không khí nghi ngờ lơ lửng trên đầu các văn nghệ sĩ, mà chủ trương khuyến khích cá tính, khuyến khích sáng tạo và chấp nhận đa dạng, chấp nhận sáng tối, hoàn toàn đặt lòng tin vào lương tri của các nhà văn, không nửa tin nửa nghi ngờ và đề phòng, để cho văn nghệ một khoảng đất rộng rãi hơn nữa thì các nhà văn và những nghệ sĩ sáng tạo đến nay đã đầu bạc phơ, kẻ còn người mất, họ còn để lại cho chúng ta nhiều hơn thế này. Và không khéo những cái gì và những người mà lâu nay chúng ta kêu ca, lên án hoặc cố tình quên đi lại là những cái, những người còn lại, còn để lại.
Sự còn lại mất đi của số phận những tác phẩm văn học cũng như những đời văn trong độ lùi thời gian bao giờ cũng ngầm chứa đựng một sự lựa chọn đầy huyền diệu và công bằng.
Hình như nhân dân, cái nhân dân Việt Nam đầy trầm tĩnh và kỳ tài mà hình ảnh đã được nghệ thuật điêu khắc từ hàng trăm năm nay chạm khắc lên khối gỗ thành bức tượng ngàn mắt ngàn tay, đến hôm nay vẫn không ngừng sáng suốt lựa chọn giúp cho chúng ta những cái gì đích thực của nghệ thuật, giữa những đồ giả, để bỏ vào cái gia tài văn hóa của đất nước để lại từ Đinh, Lê, Lý, Trần. Và cũng nhân dân, cái nhân dân Việt Nam dũng cảm sau mỗi lần đánh giặc xong lại lặng lẽ và lầm lụi làm ăn đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể cho chúng ta nghe về cái nhất thời ở trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân hậu, cái cực đoan nằm giữa tinh thần xởi lởi, cởi mở, cái nhẩy cẫng lên lấc láo giữa cái dung dị, thái độ bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 & 50 (5-12-1987)
Thật may cho tôi là được làm ngứoi thứ 100 viết vào đây mấy dòng này. Bởi nhẽ bác NMChâu đã vào nhà tôi chơi , đã đi coi từng phòng , coi bếp và nghe tôi hỏi 1 câu láo lếu : bác ạ, bác là Đại tá , là nhà văn lớn của QĐ . Vậy bác có sợ ai không ? Bác Có sợ gì không ạ? Bác ấy quay lại nhìn tôi chăm chú và trả lời nghiêm túc : – ” Có chứ cháu . Bác thấy càng to càng sợ và phải biết sợ cháu à.”
Cho tới giờ tôi chưa nghĩ ra là Sợ Gì. Nhưng cái ý này thì nay tôi mới nói ra , mong linh hồn bác phù hộ cho cháu nha.
Em học Văn ra, có nghe các thầy nói, nhà văn NMC là người đi đầu trong đổi mới văn học, nhưng các thầy lại chẳng nói rõ được đổi mới như nào…!?
Em cám ơn bọ nhiều bọ nhé!
Em đọc lại phần kết quả cần đạt và phần ghi nhớ của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu trong chương trình Văn 12 tập 2 mà những tác phẩm viết trong thời kì chống Mĩ không hề đặt ra.Từ đó em thấy được Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
Thú thực với Bọ là đọc xong bài của Bọ em mới biết nhà văn Nguyễn Minh Châu là ai, mà rõ mồn một ấy. Nhớ nhất là hình ảnh một ông già rụt rè đứng xếp hàng chờ đi toilet. Sao trông mà tội mà thương. Nhưng vui nhất là kỷ niệm đi ăn cháo gân bờ. Ấy mà đọc đến phần sau mới thấy cái khí phách trong con người của bác ấy. Lại còn cái đoạn trong Ai điếu”… giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng”. Buồn, mà ấn tuợng.
Đọc bài này của Bọ cảm động quá Bọ ui.
Ba mẹ em cũng rất thân quen với gia đình chú Châu và cô Doanh, mẹ em lại dậy văn nên thỉnh thoảng vẫn hay nói chuyện về các tác phẩm của chú Châu. Một Người thiệt đáng kính trọng và đáng mến Bọ nhỉ.
Bài Ai Điếu mà viết lúc đó là dũng cảm lắm Bọ nhỉ, nhạc sĩ Tô Hải mãi gần đây mới dám xuất bản Hồi ký một thằng hèn …hi hi.
Cảm ơn Bọ nhìu nhìu.
Bài Ai Điếu mà viết lúc đó là dũng cảm lắm – đúng vậy, hồi đó đi đâu cũng bàn tán xôn xao
Với Bài “Nhớ Nguyễn Minh Châui” Có thể xếp NQ Lập vào loại nhất nhì của nước Nam về viết chân dung văn học.
Văn chương biến hóa không lường, lúc hư, lúc thật
cảm ơn NVL, khen một câu sướng đã đời he he
Bọ Lập quý mến. Em có quen gia đình nhà văn Nguyễn Minh Châu và có lần được vợ nhà văn cho xem một số ghi chép trong sổ tay về chiến tranh của ông. Trang cuối cuốn sổ, ông viết thế này: “Có lẽ chương cuối cùng về cuộc chiến tranh là hình ảnh anh lính giải phóng cõng trên lưng người lính Sài Gòn bị thương, đi lên một con dốc cao…”. Em không hiểu hết, Bọ thấy thế nào ạ?
Một trong những ám ảnh
Thơ Chị Luận
Người đàn bà 30 năm không có Tết
Vietnamnet – 29/01/2003
(VietNamNet) – Đó là hai câu thơ mở đầu trong tập nhật kí bằng thơ của chị – người đàn bà trong chùa Bồ Đề ven sông Hồng. Tập nhật kí ấy không phải để ôn nghèo kể khổ mà chỉ ghi lại những điều đã xảy ra của một số phận bất hạnh khó tìm thấy dưới gầm trời này…
http://www.google.com/search?hl=en&q=%22Th%C6%A1+ch%E1%BB%8B+Lu%E1%BA%ADn%22&sourceid=navclient-ff&rlz=1B3GGGL_enUS341US341&ie=UTF-8&aq=h
Thơ Chị Luận :
http://www.dalanquan.com/index.php?showtopic=994
Có lẽ chương cuối cùng về cuộc chiến tranh là hình ảnh anh lính giải phóng cõng trên lưng người lính Sài Gòn bị thương, đi lên một con dốc cao…- một hình ảnh tuyệt vời!
Ai điều Văn chương minh hoạ
http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsdetail&pid=0&catid=7&ID=3676&shname=Nha-tho-To-Huu-trong-cac-cuoc-giao-luu-voi-gioi-van-hoa-van-nghe-Duc
….Đến khi anh đi xa rồi, mỗi lần nhớ anh, không nhớ gì chỉ nhớ mỗi chuyện ấy
——–
hihihi…em đọc hết về NMC cũng nhớ nhất chuyện này Bọ ạ . Đúng là NMC rất nghịch ngầm.hahaha
Ăn cháo gánh ấy, vừa ăn, vừa liếc. Vừa sướng vừa cú vì con mẹ nó hiểu đàn ông quá!
he he he bọ còn nghịch hơn nữa đấy
Chân dung của tác giả “Dấu chân người lính” được Bọ khắc họa sâu sắc quá : từ ngoại hình lù khù, ăn mặc lôi thôi, đến tính nết rụt rè, nhường nhịn ( nhường nhịn từ chuyện không thể nào nhịn được đó là khi mót tiểu, thế mới tài.
NMC viết tiều thuyết thiên này, thiên nọ (đầu óc toàn chữ nghĩ cao thâm) thế mà sợ nhất là bị mời đi nói chuyện, nếu lỡ “nhận lời rồi thì lo mất ăn mất ngủ, không biết nói cái gì, cái đầu khi đó như cục vôi sống, không nghĩ ra được cái gì…’ . Khán giả có kéo đến đông thì hãi quá ” nhìn đâu cũng thấy mắt là mắt, giống như người ta sắp ăn thịt mình, hãi chết…” . Ôi Bọ tả về NMC hay quá, đọc thấy rõ tính cách của ông vừa buồn cười, vừa đáng yêu.
Nhưng có lẽ , phải nhờ bài “Ai điếu..” chúng ta biết đến phẩm tiết dũng cảm của ông……
Nhưng có lẽ , phải nhờ bài “Ai điếu..” chúng ta biết đến phẩm tiết dũng cảm của ông……- hoàn toàn chính xác, bọ nhất trí cái rụp
Chào chú Lập,
Cho cháu ngoài lề tí nhé. Đợt trước cháu có đặt mua quyển sách Ký ức vụn của chú (loại đặc biệt :D), gửi về nhà phụ huynh. Cháu mới hỏi lại bố mẹ cháu, bố mẹ cháu thích đọc quyển đó lắm, mẹ cháu đã đọc 3 lần rồi :). Cám ơn chú rất nhiều. Khi nào chú có định xuất bản sách gì khác thì chú lại thông báo trên blog nhé.
P.S.: Cháu không báo trước cho phụ huynh, bố cháu cứ tưởng là chú gửi cho bố cháu vì là bạn cùng trường :D, trước bố cháu cũng học BK khóa 3.
ua chầu rứa à, phụ huynh thanhvtr là ai rứa hè
“Ba phút sự thật” con đọc rồi, cuốn kia con chưa đọc, mà Bọ chưa trả lời câu hỏi của con tề..???
Bọ ơi, con là đồng hương của Bọ nè, chừ Bọ đang sống ở mô rứa?
bọ đang sống hn, câu hỏi chi nữa hè?”Đổi mới không ai làm gì thật hả Bọ?”- câu ni thì MD phải trả lời lấy
“Anh mặt mày nghiêm trọng, kéo mình vào một góc, nói trong kia có ai nói gì mình không.”
” Mình nói không ai làm gì anh đâu, thời buổi đổi mới rồi anh ơi”.
Đổi mới không ai làm gì thật hả Bọ? e Bọ đùa các con thôi, huhu. Đọc Nguyễn Minh Châu của Bọ con xót xa quá…Mà răng càng đọc con càng nhớ Phùng Quán quá Bọ nờ, Bọ có thêm tư liệu gì về Phùng Quán cho con coi ké với!
tất cả tư liệu về PQ bác Ngô Minh đã tập hợp thành cuốn: ” Ba phút sự thật” rất hay, ngoài ra còn có cuốn ” Nhó Phùng Quán”
Cái thuật ngữ ” văn nghệ minh hoạ” có phải là xuất phát từ bài này, hay là nó đã có từ trước rồi bọ nhỉ?
Bó cũng không rõ lắm. Chỉ nhớ nó có khá lâu rồi nhưng chỉ xuất hiện trong các hội nghị hội thảo và các cuộc rượu, văn bản mồm, còn văn bản giấy hình như xuất hiện từ 1986 trở đi thôi
Khái niệm “văn nghệ minh họa” theo mình biết thì xuất hiện lần đầu ở trong “Sám hối” của M. Gorki. Vấn đề nầy không có gì mới trong nền văn học của các nước XHCN, bắt đầu từ Gorki, sau đó là M. Solokhov, B. Partenak… Và có lẽ, văn nghệ sĩ VN là những người cuối cùng giác ngộ vấn đề nầy qua các bài viết có tính lí luận của Hoàng Ngọc Hiến. Hay nhỉ, có tính qui luật cả đấy, đầu tiên là đấu tranh giai cấp, sau đó là quản thúc, tù đày, thủ tiêu… và cuối cùng là sám hối. Ở VN, người chứng kiến trọn vẹn qui trình nầy có lẽ là nhà thơ Tố Hữu.
Meo bự ơi có thực bự không rứa ? Mình rất thích những người đầy đặn, mỡ màng…
Trông mặt thì xinh nhưng đội cái mũ đỏ vô duyên quá..He he
To Ngo Thu Le: Trông mặt mà bắt hành dong chứ.
Ngày 11.10.2009 lúc 6:09 chiều, MB ghi tên ĐLinh vào sổ thù vặt.
Đừng MB ơi, trên QC ai tên Linh cũng dễ thương. Để MG điểm danh các vị tên Linh nhé!
– Hà Linh
– Nam Linh (Nam)
– Nam Linh- Nụ Cười
– Mai Linh
– ĐLinh
– Mỹ Linh
Một Linh hai Linh lại ba Linh
Đã xinh còm lại chẳng linh tinh tý nào!
Hay DLinh là Mèo già?
Ngày 12.10.2009, lúc 11:05 sáng, đã ghi tên MG vào sổ tình nghi.
Cả 2 bài đều rất hay!
Nhớ hồi: bài Lời ai điếu…in ra gây xôn xao, và báo Văn nghệ hồi đó rất được bạn đọc hưởng ứng
Tôi có lời – copy về và nay mai dùng cho trang wordpress của mình, NQlap nhá!
ok, thoải mái đi bác
Thôi.’ trách chi thời đã qua,thời thế thế thời thế thế, không chỉ các bác nhà văn,nhà sử …bên khoa học xã hội mà các nhà khoa học tự nhiên:nông học ,sinh học cũng phải nói khác đi để minh họa hay sao như sắn khoai bổ hơn gạo,khoa học về GIEN là phản động vì nó phục vụ cho giai cấp bóc lột …
Chắc rằng các nhà sử học ,các nhà khoa học tự nhiên còn khổ tâm hơn ông Châu vì phải làm cái việc nói dối(nói láo)để có lợi cho ……cứ nói .nói thật mà không lợi (chưa nói chi hại) cho…thì xin ĐỪNG
Một nhà văn ra nhà tiểu lúc tan họp chỉ biết “đứng thập thò ở cửa nhà vệ sinh, rụt rè như đứng trước cửa quan”; lại thừa nhận cái thằng bịp bợm đóng vai mình đi nói chuyện về tác phẩm của mình hốt tiền thiên hạ rằng: “cái thằng tài,mình không bằng cái móng tay của nó.” và so sánh không khập khiễng nhà văn với chị bán cháo rong “ béo trắng mượt mà, ngực lớn trắng hồng phồng căng, quần lụa mỏng đứt một đường thẳng khít đũng quần: “tụi mình viết văn đéo câu khách giỏi bằng bà này.”
Chỉ ba chi tiết này cũng đủ minh chứng: Nguyễn Minh Châu là một người viết văn cao sâu.
Trong “đám nhà văn cũng bị hút hồn theo” Maria năm đó, nay đã có bao người bằng cái móng tay của Nguyễn Minh Châu?
Chợt nhớ chân dung Nguyễn Minh Châu qua thơ Xuân Sách:
“Cửa sông cất tiếngđời
Rồi đi ra những vùng trời khác nhau
Dấu chân người lính in mau
Qua miền cháy với cỏ lau bời bời
Đọc lời ai điếu một thời
Tan phiên chợ Giát hồn người về đâu?”
Ôi! Nguyễn Minh Châu, nhà văn của muôn năm cũ! Hồn ở đâu bây giờ?
cái còm của bác thật cảm động, bác thạt hiểu NMC
Đọc NMC, e thấy bác ấy mạnh về chi tiết, miêu tả mà lời thoại ít. Hồi bác ấy mất,thấy có 1 dòng thác những lời điếu,kỷ niệm những ngày nằm bệnh viện,làm việc ở 4 LNĐ trên VNQĐ, Văn nghệ của các đồng nghiệp trong giới cầm bút có quân hàm. Có lẽ bác L chưa tham gia quân đội nên chưa thông cảm cho thái độ của những người lính…biết chữ khi nghe tin NMC mất chăng(?) “Có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng” (TH), tin bác Đỉnh thông báo chứ đó chưa phải là lệnh(!) mà đời của Maria phải “cứu” trước(!)
bọ cũng từng là lính, trung uý nhé hi hi
bọ ơi, Ai điếu đến tận bây giờ vẫn đúng trong nhiều lĩnh vực. nhất là trong cách sống và cách nghĩ, cách thể hiện của nhiều người trí thức. đến bây giờ, nếu bác vạch ra một điều thực tế vi phạm điều gì đó để che đậy điều gì đó, nguời ta sẽ không sơm thì muộn hơn một chút: bị “oánh hội đồng”
Ai điếu đến tận bây giờ vẫn đúng trong nhiều lĩnh vực. nhất là trong cách sống và cách nghĩ, cách thể hiện của nhiều người trí thức. – hoàn toàn chính xác, và đó là điều đáng buồn nhất trong giới trí thức hiện thời
oh, nghe chú/cô Sao Hồng tả Khách ở quê ra hay, phải tìm đọc mới được
ko ngờ nhà văn Ng Minh Châu lại nhút nhát thế, mà đoạn cuối, đoạn thông báo mất nghe đau lòng quá 😦
ok HN, đó là cuộc sống má, buồn nhưng biết làm thế nào hu hu
To@ Sao Hong: Ở đoạn trên Bọ viết Ai điếu, tôi nghĩ đây là một bài bác NMC viết Ai điếu cho một người nào đó chỉ mang tính chất nội bộ không được đăng công khai nên mới có đoạn bac NMC kéo Bọ nói nhỏ….
Ở phần Đọc thêm Bọ lại viết: Hãy đọc AI ĐIẾU CHO MỘT GIAI ĐOẠN VĂN NGHỆ MINH HOẠ.
Hoá ra là AI ĐIẾU CHO … cả … MỘT GIAI ĐOẠN VĂN NGHỆ MINH HOẠ.
Đơn giản tôi cứ nghĩ đây là hai tác phẩm riêng biệt của Hai tác giả.
Tôi đã nhầm.
Tôi không ngờ bác NMC lại viết bài đó hay như vậy, mạnh bạo như vậy. Hơi bị tréo giò so với phần mô tả tính cách nhân vật ở đoạn đầu. KHông ngờ!
Mâu thuẫn giữa Nội tâm[ Ai điếu] và vẻ Bề ngoài [ Rụt rè] của NMC đã được Bọ Lập đẩy lên tới mức tôi không tin thể tin đó là sự thật ở một con người. Sau khi xem phần nguồn trích dẫn tôi đã giật mình vì bài báo đăng đã được 22 năm.Hay quá.
Tôi nghĩ không khí Văn nghệ giai đoan 1986- 1990 cởi mở, thông thoáng hơn bây giờ nhiều, hồi đó có nhiều cái để đọc và đáng để đọc.
Buồn.
Buồn vì chỉ đọc được mỗi Quê Choa, đọc xong lại Buồn.
đọc xong lại Buồn.Buồn xong chẳng biết làm gì.Lại đọc.Buồn hơn
Tôi cũng thích truyện ngắn của bác Châu. Chân dung này của Bọ sắc nét lắm.
Cái tình người của những người làm công tác văn hoá nghệ thuật đôi khi làm mình ngao ngán quá, thà đó là mâý anh ít học, hay mấy anh làm kỹ thuật thuần tuý lại còn thông cảm được.
Bài Ai điếu của bác NMC quá chỉnh, mình còn biết nói chi. Nhưng đáng lẽ bây giờ đọc xong thì phải than rằng “Sao thời ấy các bác khổ thế !”, chứ ai đời bây giờ mình đọc mà còn thấy hơi e ngại.
Chuyện thiếu thốn vật chất ngày ấy kể lại thấy xa xôi, thế mà đời sống văn hoá văn nghệ thì lắm cái còn ngược lại. Sự vô lý hay là qui luật lịch sử?
Chuyện thiếu thốn vật chất ngày ấy kể lại thấy xa xôi, thế mà đời sống văn hoá văn nghệ thì lắm cái còn ngược lại- hu hu rứa đo, HC nói phải lắm
Tự nhiên muốn nói thêm về NMC trong nhà trường. khi Sách giáo khoa mới bỏ “Mảnh trăng cuối rừng” của ông, giáo viên tiếc lắm, bởi cái chuyện tình lãng mạn thời chiến tranh trong một “bầu không khí vô trùng” đã ngấm vào máu thịt của mỗi người. Từ năm ngoái, họ đưa “Chiếc thuyền ngoài xa” của ông vào, một tác phẩm viết về thời hậu chiến thật đa tầng đa nghĩa, đào mãi không hết vỉa… tôi nghĩ, chỗ dứng của NMC trong sách giáo khoa còn rất bền lâu.
“Chiếc thuyền ngoài xa” – bọ nghĩ truyện này hơi khó so với các cháu nhỏ. Đưa vào dạy cho THPT có lẽ không hợp lắm, “mảnh trăng cuối rừng” hợp hơn
Bọ hay quá, em cũng nghĩ như bọ nhưng chưa tự tin lắm, nên đã xoá đi một khúc.
Nam Cao ra đi năm 1951 là đúng lúc, Nguyễn Minh Châu ra đi năm 1989 cũng là rất đúng lúc. Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hoài Thanh trời cho sống thọ lại thành thừa, hơn một nửa đời “sống trong sợ hãi” và để tiếng cho đời sau. Ví dụ như Hoài Thanh ê chề quá:
Vị nghệ thuật một nửa đời,
Nửa đời còn lại vị người cấp trên. (Xuân Sách)
Tài năng và nhân cách nghệ sĩ như Nguyễn Minh Châu, nếu không ra đi sớm sẽ gặp bi kịch (Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Trần Dần, Lưu Quang Vũ…)
Trường hợp của Nam Cao, tôi đồng ý với Ngo Thu Le, còn trường hợp NMC thì chưa chắc là vậy, vì tình hình văn chương những năm sau đó vẫn có được những “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, ” Nỗi buồn chiến tranh”… cơ mà
nhất trí với MB!
Bác NTL ơi, bi kịch gì, tôi là cứ Trời cho sống thêm ngày nào là dứt khoát xin ngày ấy.
chứ Lưu Quang Vũ mất sớm hơn thì lại tốt hơn hay sao.
Có ai đó nói: Người đáng sống thì lại cứ chết sớm, người đáng chết thì sống dai đến sốt cả ruột. Sự ra đi của Nguyễn Minh Châu khién ta càng lùi xa càng thấy tiếc. Nhờ bọ mà em mới biết nhà văn tiên phong của công cuộc đổi mới văn học lại có tính cách “hãi người” giống Nam Cao đến thế. Hình như đó là lí do giải thích cho sự bùng nổ của ông sau này. Hai mươi năm qua, văn học nước nhà mất đi bao nhiêu thành quả vô giá của sự trăn trở NMC. Tiếc đễn xót xa, cũng như xót xa cho cái duyên kiếp văn chương, sao đồng nghiệp của ông lại vô tâm vô tình đến vậy?
Nhưng em vẫn cứ nghĩ rằng, nếu biét chuyện này, ông vẫn cứ cười hiền, chẳng trách móc ai, bởi “”Đơn giản ông là Nguyễn Minh Châu”.
cảm ơn MB đã chia sẻ rất cảm động
“Từ rất lâu vợ hắn tưởng đã bỏ quên hẳn thói quen mặc áo lót mình. Sau mỗi lứa đẻ, hai bầu vú để thỗn thện, bây giờ “co” người lại trở nên gọn gàng, và chiếc nịt vú của người đàn bà cũng may bằng thứ mặt hàng quân phục. Đêm nằm bên vợ, bây giờ hắn thấy trên khuôn ngực trắng như ngó sen tự nhiên úp vào hai cái vung may bằng thứ vải tô châu mới xanh biếc, như hai con cánh cam to tổ bố, nom đến tức mắt”.
***
Thời cột cùn chưa chặt đọc bác Nguyễn Minh Châu với dòng văn học chiến tranh mê mẫn luôn. Có lẽ vì mình lớn lên ở vùng chiến sự chăng ? Mê mẫn là thế nhưng bây giờ chả nhớ hình ảnh gì ra tấm ra món.
Nhưng khi lớn tý chút lại thích những chuyện bác viết về đời sống của những con người bình thường. Những người bình thường nhưng ai cũng thấy như có mình trong đó. Như mình là người trong cuộc vậy. Từ dân kẻ chợ đến gã nhà quê. Bác ấy như đi guốc trong bụng vậy.
…
Đoạn trích trên là đoạn nói về vợ lão Khúng trong “Khách ở quê ra”.
Truyện ngắn này ấn tượng với tui lâu nhứt. Không chỉ vì hình ảnh vợ lão Khúng mà tính cách con người lão có thể nói là đại diện cho người nông dân điển hình. Hình ảnh phăm phăm bổ ra tàu trở về quê đột ngột của lão cuối truyện làm tui không thể nào quên. Cảm phục cảm thương cho lão Khúng quá !
…
Cho đến bây giờ , tui vẫn cứ đinh ninh, nhân vật Định trong “KHÁCH Ở QUÊ RA” chính lấy nguyên mẫu của bác Nguyễn Minh Châu !
khách ở quê ra là một truyện ngắn rất hay, ngtuyên mẫu chắc không phải nhưng có chút bóng dáng NMC
OK Sao Hồng. Nếu tạc tượng nhà văn bằng nhân vật của họ thì, Vũ Trọng Phụng Xuân Tóc Đỏ, Nam Cao Chí Phèo, Nguyễn Minh Châu Lão Khúng.
Một nhà văn mà không có nhân vật để tạc tượng thì, chưa phải văn tài.
he he khích động.
Nếu tạc tượng nhà văn bằng nhân vật của họ thì, Vũ Trọng Phụng Xuân Tóc Đỏ, Nam Cao Chí Phèo, Nguyễn Minh Châu Lão Khúng.
Một nhà văn mà không có nhân vật để tạc tượng thì, chưa phải văn tài.
—–
Em đồng ý với nhà thơ NTT. Cũng như diễn viên, chỉ cần một vai diễn để đời mà khán giả hâm mộ nhớ mỗi tên đó thay cho tên thật của mình là sướng nhất…..
Bọ cho bà con biết tên Tác giả bài đọc thêm đi Bọ.
Hay quá, không ngờ lại có bài viết hay như thế. Cả hai bài đều cùng một chủ đề, quan hệ với nhau chặt chẽ quá.
Cho biết tên Tác giả bài đọc thêm mới bình được Bọ à.
Nếu Bọ không cho, em vào Thư viện Quốc gia tìm ra ngay nhưng mất thời gian lắm.
Chết chết bọ xin lỗi quên ghi tên tác giả, đó là bài của Nguyễn Minh Châu
To Bác VanThanhNhàn@…
Bác đùa đấy phải không ? Thì bài đọc thêm là của Nguyễn Minh Châu chớ ai nữa !!!!
Bọ đã có một đoạn trong “Bạn Văn” giới thiệu cụ thể rồi đó. Bác hãy đọc đoạn sau:
“Thành ra khi anh viết bài Ai điếu, đọc sướng rêm, gặp anh mình ôm chầm lấy liển, nói trời ơi không ngờ Nguyễn Minh Châu nói năng dũng mãnh thế này. Anh mặt mày nghiêm trọng, kéo mình vào một góc, nói trong kia có ai nói gì mình không. Mình nói không ai làm gì anh đâu, thời buổi đổi mới rồi anh ơi”.
?????
Bác có ngủ gật trong chiếu riệu không đó ? Hay chưa uống đã say với… “bà bán cháo gân bò” xứ Huế ?
He he…
-Thì kể ra cũng đã 20 năm rồi thì cái sung sướng thực sự của bọ thích chắc cũng chẳng hơn gì lúc NMC mới mất.Nó cũng chỉ mập mờ trăng trắng,”khi khép lại khi xoè ra” làm mọi người hút hồn.Đơn giản tôi là…thế!Bọ hì.
Thì kể ra cũng đã 20 năm rồi thì cái sung sướng thực sự của bọ thích chắc cũng chẳng hơn gì lúc NMC mới mất- he he hoàn tòan chính xác
Bài viết của nhà văn Nguyễn Minh Châu rất thật và tâm huyết, kể cả cho đến tận bây giờ, cháu thấy vẫn đúng cho nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực ở ta, chứ không chỉ riêng nghề văn chú nhỉ
đúng vậy, cảm ơn Trọng
Tiếc cho Anh lắm Anh Châu ơi ! Tài văn sao lại chẳng gặp thời.Thương tiếc cho Anh và cho cả, bao kiếp tài ba phí một đời !
“Rồi thì dù không muốn tôi cũng phải nói rằng sự độc đoán và chế áp của lãnh đạo văn nghệ trong nhiều năm qua đã khiến cho những nghệ sĩ chân chính luôn luôn gắn bó với cách mạng, với Đảng, suốt đời cảm thấy phạm tội.”
Buồn nhỉ, mấy chục năm rồi vẫn vậy!
hu hu hơn nửa thế kỉ rồi
Ôi ! cám ơn bọ Lập ,tôi đọc Dấu chân người lính đâu hồi đang học lớp 4 trường làng ,giờ chẳng nhớ gì nữa nhưng hồi đó thấy khoái lắm.Cũng chưa bao giờ đọc được Ai điếu và cũng rất bất ngờ, giờ mới biết có bài văn khí thế như vậy vào thời đó.
Hơn mười năm trước tôi rất thích tập thơ “Bài ca nơi cuối đất “ của Diệp Minh Tuyền.Trong đó có câu thơ rất hay:
”Bút không viết mà thường phải lách.”
Qủa là thương các cụ văn sỹ cách mạng nhà ta.Cũng mừng cho bọ Lập ngày nay có lẽ dễ thở hơn một chút.Phải không ?
Nhưng thôi, chẳng nên bắn vào lịch sử làm gì nữa,cái gì đã qua thì ta cho qua ,bọ hỉ.Bây chừ có được chiếu rượu như của bọ mà chưa thấy ai thổi còi cả là tốt lắm lắm rồi-Hoan hô đổi mới
Nhưng thôi, chẳng nên bắn vào lịch sử làm gì nữa,cái gì đã qua thì ta cho qua ,bọ hỉ.Bây chừ có được chiếu rượu như của bọ mà chưa thấy ai thổi còi cả là tốt lắm lắm rồi- he he đồng thụân đồng thuận
Mình đi theo anh, chị bán cháo gánh béo trắng mượt mà, ngực lớn trắng hồng phồng căng, quần lụa mỏng đứt một đường thẳng khít đũng quần. Chị làm như không hay biết gì, cứ múc múc chan chan, khi cúi xuống khi ngước lên, ngực rất vừa tầm mắt người ngồi ăn, cặp đùì khi khép lại khi xoè ra, đường chỉ đứt đũng quần nứt ra một đường trắng bóng. Anh ghé tai mình cười khì khì, nói hay không hay không, tụi mình viết văn đéo câu khách giỏi bằng bà này.
…
NQL rất tài khi tìm ra một chỗ nào đấy để làm người đọc ấn tượng về người bạn mà anh muốn kể(tạo ra một nụ cười thật có duyên). Về NMC thì rõ lắm rồi!
hi hi cảm ơn PT
Bác NMC viết bài:Lời ai điếu…..chắc lúc đó Bác nghĩ rằng cái giai đoạn văn học này chắc sẽ biến mất nhờ công cuộc đổi mới do bác NVL khởi xướng! Nhưng than ôi!! Cái nền văn học minh họa này nay đang sinh sôi nảy nở như hoa cỏ mùa xuân và được khen là đi đúng “định hướng”!! Còn những ai dám viết đi ngược lại với minh họa bị đánh cho bầm dập, từ Ban TG đến bộ 4 T. Tác giả thì treo bút, rút thẻ….Bác đang ở suối vàng chắc Bác cũng buồn ghê lắm! Cầu xin Bác làm sao mời được ông trưởng ban TG THR và ông bộ trưởng LDH xuống ngay dưới đó để Bác thưa chuyện, nếu được vậy anh em văn nghệ sĩ nước nhà ơn Bác NMC vô cùng!
hu hu tóm lại mình khó lòng thoát khỏi minh hoạ hu hu
Bữa nay cuối tuần Bọ cho bà con bữa “bu-phet” cực kỳ hoành tráng.Cảm ơn Bọ đợt một.
Em học thiên về “toán ní” nhưng văn vẻ ngấm như rượu Quỳnh vô trong máu.
Từ Cửa sông đến Phiên chợ Giát,có những đoạn của NMC em gần như thuộc.(Của Bọ cũng rứa đo).
Vậy mà để hiểu về “cụ Quỳnh Lưu” ni nếu không có “của Bọ” e là em như mèo đội nón cời Bọ nà.
Đôi lúc,mình đọc tác phẩm cũng không nên “quá rõ” về tác giả lắm.Em đã từng thất vọng khi đọc của ông “Tổng lý Quốc vụ viện”.Khi biết hơi cụ thể thấy lãng nhách à.
Ở đây khác hẳn,một ý kiến của Bọ làm em cứ phân vân là xưa nay mình “coi” Cụ Quỳnh Lưu này khác cơ mà!
Cảm ơn Bọ nhiều,đợt hai!
Ở đây khác hẳn,một ý kiến của Bọ làm em cứ phân vân là xưa nay mình “coi” Cụ Quỳnh Lưu này khác cơ mà!- khác là khác răng hè?
Bác NMC là một trong những nhà văn mở đầu thời kỳ đổi mới trong văn học. Sau thời kỳ trong trẻo của Dấu chân người lính, mảnh trăng cuối rừng là đến thời kỳ của những “bức tranh”, “Phiên chợ Giát”, “Cỏ lau”, “khách ở quê ra” và đặc biệt là “người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, đến bây giờ vẫn hay, vẫn cuốn hút. Tiếc là bác mất hơi sớm, năm 1989.
Cám ơn Bọ mang đến cho người đọc thêm những nét về chân dung của nhà văn này.
rất tiếc bác mất khi bác đang nung nấu vượt ra ngoài hành lang hẹp để viết những gì bác ưa thích nhất
MG đọc Dấu chân người lính từ thuở còn là nhãi ranh. Sau này thì đọc Miền cháy, Cỏ lau… của Nguyễn Minh Châu, đều thích.
Bọ cũng rứa, nhưng thích miền cháy, cỏ lau hơn
Mình đi theo anh, chị bán cháo gánh béo trắng mượt mà, ngực lớn trắng hồng phồng căng, quần lụa mỏng đứt một đường thẳng khít đũng quần. Chị làm như không hay biết gì, cứ múc múc chan chan, khi cúi xuống khi ngước lên, ngực rất vừa tầm mắt người ngồi ăn, cặp đùì khi khép lại khi xoè ra, đường chỉ đứt đũng quần nứt ra một đường trắng bóng. Anh ghé tai mình cười khì khì, nói hay không hay không, tụi mình viết văn đéo câu khách giỏi bằng bà này.
Binh nhì cùi bắp: Xin trình diện: Có Mặt
hi hi binh nhì cùi bắp là răng?
Binh nhì cùi bắp là lính hạng bét bọ ạ, lính trơn không có huy hiệu!
“Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng.”
Một trong những câu văn mà tôi nhớ nhất chính là mấy câu này, chỉ vài từ mà khắc họa một giai đoạn thật tài tình, vừa giàu hình ảnh, vừa giàu sức biểu cảm. Lâu rồi chẳng nhớ là của ai, hóa ra là Nguyễn Minh Châu. Chắc nhân vật được nhắc đến ở đây là Nguyễn Tuân, kẻ sỹ hiếm hoi thời “đồng thuận cao”?
“Công việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ của Hội Nhà văn hôm nay không phải là chuẩn bị cái lò ấp hàng trăm hàng ngàn quả trứng gà trứng vịt, mà là chuẩn bị cho những tư cách nghệ sĩ và tài năng lớn ra đời”
Thiết nghĩ, đây là việc không dành riêng cho Hội Nhà văn. Nói rộng ra, bất kỳ người Việt nào cũng cần được chuẩn bị một tư cách, và trong những tư cách đó, có những tài năng sẽ ra đời.
NVTV nói đúng lắm, bọ cũng nghĩ như rứa
Đọc Lập lại nhớ anh Châu. Đến nhà anh chơi vào buổi tối, chị pha trà, anh mời đóm. Cái đóm châm lửa để hút thuốc lào, anh bảo loại tre này ngâm bùn lâu, cháy giòn lắm. Cái ống đóm nhà anh do chính tay anh chẻ, mỏng và đều. Châm đóm vào cái đèn dầu hỏa, đóm bắt lửa làm lóe sáng căn phòng đêm mất điện. Vợ anh thì sau khi anh chết, nhớ không sót tên ai trong cái danh sách thăm góp cho anh Châu những ngày bệnh, dù chỉ một bát gạo.
Hồi cuối 1981, tôi bị “nạn Tản mạn thời tôi sống”, ghé Văn Nghệ Quân Đội, ai cũng lạnh lẽo, riêng anh Châu kéo ra bên thềm đọc cho nghe mấy câu thơ của Nguyễn Công Trứ, như là quá biết cái nhân tình thế thái ở đây:
Đ … mẹ nhân tình đã biết rồi
Lạt như nước ốc bạc như vôi
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chẩy xuôi
Chân có chẹt rồi thời há miệng
Vòng chưa thoát khỏi đã cong đuôi
Dám xin các bác phen này nữa
Nấu xáo xin đừng nấu xáo voi.
Đọc xong anh nói: Tối rỗi thì ghé tớ hút thuốc lào.
Tối tôi bận không ghé anh được. Gặp lại chả thấy anh trách móc gì…
vâng bác ạ, tính bác Châu rất lành. Có hôm em hen chở bác đi ăn bún ốc, hen xong rồi quên, bác đứng chờ ở số 4 LND cả buổi trưa, sau gặp bác không nhắc giù, em có nhắc thì bác nói mình chờ mãi, may có thằng nó rủ đi ăn phở., hi hi
Sao Bọ toàn nhè chỗ hiểm mà dí nhỉ, lúc thì nhà vệ sinh, lúc thì cái quần đứt chỉ, được mỗi chỗ ít hiểm là cái TV thì là lúc nhà văn đã mất!
Kể ra nổi tiếng đến nỗi có kẻ phải mạo danh cũng là hiếm có.
chuyện mạo danh cuả 1 ông DN hình như xảy ra 1985, hình như ông này bị bắt vì tôi lừa đảo, vì thu của nả người ta hơi bị nhiều trong những cuộc giả danh NMC đi nói chuyện,chuyện giả danh thì có thật còn bắt bớ thì bọ cũng chỉ nghe phong thanh thế
thấy cô giáo vô tui cũng vô! Cũng do NMC là nhà văn mà tui yêu thích nữa!
cuối tuần vui vẻ nhé MG!
tem “nhì”
Chúc Bọ cuối tuần dzui dzẻ.
cảm ơn cheguevara, bọ cũng chúc bạn cuối tuần vui vẻ
UI ……….. TEM NHÌ !
Chộ bọ post từ khi hôì mờ chật vật lắm mới vô lấy tem được.
🙂
UI ……….. TEM NHÌ !
Chộ bọ post từ khi hôìi mờ chật vật lắm mới vô lấy tem được.
ừi, hôm nay WP bảo trì hay sao, rất khó vào
Thấy thiên hạ tem mình cũng bắt chước tem chơi!
hi hi chơi tem cũng có cái vui