Bản đồ Trung Quốc Chính Khu.

Trương Nhân Tuấn

Vào tháng 7 năm 2006, nhà nước Trung Quốc đã công bố, trong nước cũng như trước quốc tế, bộ bản đồ hành chính gồm có các bản đồ sau : Trung Quốc Chính Khu 中国政区, Trung Quốc Địa Thế 中国地势, Trung Quốc Thủy Hệ 中国水系 và Trung Quốc Giao Thông 中国交通. Việc công bố này nhằm xác định với các nước trên thế giới các đặc tính về địa lý nhân văn hay địa lý kinh tế cũng như lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc. Đặc biệt bản đồ « Trung Quốc Chính Khu » có bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời vùng biển chung quanh được vẽ bằng chín gạch đứt khúc hình chữ U. (Nhân dịp này tôi có viết bài « Trung Quốc hùng phong đại quốc » nhằm báo động dư luận ngày 27-3-2006.)

Từ lúc đó, hầu hết (nếu không nói là tất cả) các tấm bản đồ thế giới do TQ xuất bản, hay do các nước Tây phương xuất bản, đều có ghi chú Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TQ. Cũng từ thời điểm đó, tất cả các công bố khoa học, các bài viết, các giáo án… của các trí giả người Hoa có liên quan đến hình thể địa lý của nước Trung Hoa bắt buộc phải sử dụng các tấm bản đồ chính thức của nhà nước Trung Quốc đã công bố từ thời điểm đó.

Việc này dĩ nhiên đem lại hậu quả là các công bố khoa học (về địa lý nhân văn hay địa lý kinh tế có liên quan Trung Quốc) trên các tạp chí quốc tế, nếu có đính kèm bản đồ, nó sẽ là một trong các bản đồ đã ghi trên.

Bản đồ Trung Quốc Chính Khu

Cho đến những ngày gần đây một số người Việt mới phát giác ra các việc này (như sự việc National Geographic HK ghi chú HS và TS thuộc TQ hay vụ tờ The Nature in bài của học giả TQ có đính kèm tấm bản đồ Trung Quốc Hính Khu…). Nỗ lực và vận động của những người này nhằm phản đối các tấm bản đồ của TQ đều rất đáng tuyên dương. Nhưng việc này đáng lẽ đã không xảy ra nếu nhà nước VN đã có hành động thích hợp ngay sau khi bộ bản đồ của TQ được công bố vào tháng 6 năm 2006.

Vấn đề sẽ khó khăn hơn, nếu mọi người biết rằng, trong các chương trình dạy Hoa ngữ của các trường trung học hay đại học tại các nước Châu Âu, bản đồ nước Trung Hoa là tấm bản đồ Trung Quốc Chính Khu, tức tấm bản đồ có vẽ đường chín gạch chữ U.

Với tư cách một cá nhân hay một tập thể, ta có thể thuyết phục một tờ báo (như tờ The Nature) nếu ta có lý lẽ hợp lý. Nhưng đối với một tổ chức thuộc phạm vi quốc gia như National Geographic thì không dễ, nếu không có sự can thiệp của phía nhà nước VN. Việc thuyết phục các hệ thống giáo dục của các nước Châu Âu (và nhiều nước khác nữa) sẽ khó khăn gấp nhiều lần.

Tôi nhận thấy rằng, trong nhiều vấn đề liên quan đến quốc gia, người dân VN luôn đi sau dư luận quốc tế. Trường hợp HS và TS trong tấm bản đồ Trung Quốc Chính Khu, dư luận VN đi trễ 5 năm.

Theo blog Trương Nhân Tuấn